Nhà báo Việt Nam: “Giúp cho người nghèo bằng cần câu, chứ không phải

2021-01-06 14:47:25 |NGUỒN TIN:CRI

Các bạn thân mến, qua 8 năm phấn đấu liên tục, Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu công kiên thoát nghèo trong thời đại mới đúng thời hạn, toàn bộ số người nghèo khó ở nông thôn dưới chuẩn nghèo hiện hành đều đã thoát nghèo, toàn bộ số huyện nghèo khó đều đã bỏ mũ nghèo, xoá bỏ nghèo cùng cực và nghèo khó về tổng thể mang tính vùng miền, gần 100 triệu dân nghèo khó thực hiện thoát nghèo, giành được thắng lợi quan trọng được cả thế giới ghi nhận, trong đó có báo giới Việt Nam. Trong chương trình Trung Quốc ngày nay kỳ này, xin mời quý vị và các bạn nghe cuộc phỏng vấn với một nhà báo Việt Nam giới thiệu về cảm nhận của mình đối với vấn đề này.

“Một trong những chủ đề mà tôi thực hiện nhiều nhất trong bản tin thời sự năm 2020 của Đài Truyền hình Việt Nam là những thành tích và kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo của Trung Quốc. Các mô hình tại các tỉnh thành như tỉnh Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Tây và nhiều địa phương khác. Chính quyền ở đó có nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả để giúp những người dân nghèo và những người dân tộc thiểu số thoát nghèo một cách bền vững”.

Đây là anh Châu Thái Bình, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cách đây vài tháng, anh Thái Bình đã xuống tận vùng thường xuyên bị sạt lở đất ở gần trung tâm huyện Ma Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, anh đã phỏng vấn bà con dân làng ở nơi đó để tìm hiểu những công tác và kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo ở địa phương Trung Quốc. Phóng viên Thái Bình nói:

“Huyện Ma Dương, tỉnh Hồ Nam có hàng ngàn hộ dân nghèo, hộ dân tộc thiểu số được di chuyển từ vùng núi cao, một vùng núi rất nguy hiểm, điều kiện sống ở đó không được tốt, (Chính quyền địa phương) đã di chuyển họ xuống vào một khu vực ở thành thị, ở đó họ sẽ được cung cấp căn hộ, một gia đình được cấp nhà 50-70 mét vuông, con cái của họ được học hành tại đó với điều kiện rất tốt. Người già được sinh hoạt cộng đồng trong những câu lạc bộ có những bệnh viện, trạm xã nhỏ. Điều mà tôi tâm đắc nhất về mô hình này là, tại đó sẽ có nhiều doanh nghiệp đến mở công ty hoặc xí nghiệp; xung quanh đó khoảng 1-2 cây số thì có nhà máy và xí nghiệp, người dân nơi đó sẽ có nguồn thu nhập ổn định, tức bây giờ là ‘an cư’, rồi là ‘lạc nghiệp’. Tại đó, người dân sẽ không cần lo lắng nhiều về điều kiện sống ở một nơi mới. Tôi thấy đó là một trong những giải pháp đồng bộ mà Chính quyền tại đó, cũng như rất nhiều địa phương khác đã giúp người dân. Đó là một giải pháp phù hợp các cấp ủy Đảng, Chính quyền, rồi huy động từng cán bộ, Đảng viên ở đó để giúp từng người dân. Tôi thấy sự thoát nghèo của họ như vậy sẽ rất bền vững”.

Ngoài việc xóa nghèo bằng cách di dời và tái định cư cho dân nghèo ra, phóng viên Thái Bình thấy còn có một giải pháp đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với anh, đó là Chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp người dân địa phương bán đặc sản của mình qua thương mại điện tử. Phóng viên Thái Bình nói:

“Tôi thấy một trong những giải pháp rất hiệu quả mà các địa phương đang triển khai, đó là mô hình giúp người dân bán được sản phẩm của mình trên thương mại điện tử bằng hình thức Live stream (bán hàng online), tức người dân sẽ bán được sản phẩm mình, làm được thương hiệu sản phẩm của mình trên thương mại điện tử, phù hợp xu thế hiện nay của Trung Quốc. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện việc làm tại chỗ, quảng bá được thương hiệu của họ. Những tỉnh thành giàu kinh nghiệm như tỉnh Chiết Giang đã tập huấn cho các cán bộ và người dân tại các địa phương khác, chẳng hạn xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như thế nào, lên mạng như thế nào để thuyết phục người dân bán được sản phẩm nhiều hơn, tôi thấy cách đó rất hay. Chắc Việt Nam mình cũng đang giúp đỡ cho nhiều người dân theo kiểu như vậy”.

Phóng viên Thái Bình cho biết, không chỉ đầu tư mạnh về tiền mà chính những cán bộ đảng viên cũng phải gắn trách nhiệm cùng các cơ quan chức năng giúp người dân tìm hướng thoát nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, những kinh nghiệm thành công của Trung Quốc đáng để Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới học tập. Phóng viên Thái Bình nói:

“Ở Trung Quốc, khi chủ trương Trung ương được quán triệt xuống địa phương, thì những cán bộ Đảng viên đã phát huy vai trò chịu trách nhiệm với những người nghèo, những người dân tộc thiểu số như chính gia đình của mình. Các cán bộ Đảng viên xuống tận các gia đình nghèo khó tại địa phương để giúp họ bằng cách như một câu Việt Nam ‘Giúp cho người nghèo bằng cần câu, chứ không phải cho tiền’. Đây là một trong những kinh nghiệm hay, bài học hay cho những nước có thể học hỏi hoặc tham khảo từ mô hình của Trung Quốc trong cuộc chiến xoá đói giảm nghèo”.