Chuyên gia Việt Nam: Hai Đảng, hai nước Trung - Việt có nhiều điểm chung trong mục tiêu phát triển đất nước trung và dài hạn

2021-01-27 10:52:41 |NGUỒN TIN:CRI

Các bạn thân mến, Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc, đây là một sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam. Năm 2021 cũng là năm mở đầu Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX). Trong thời điểm quan trọng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường của Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Trong chương trình “Trung Quốc ngày nay” hôm nay, xin chia sẻ với các bạn bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường.

Nguyễn Quốc Trường

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra bố trí quan trọng về xây dựng “cục diện phát triển mới lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ thể, ‘tuần hoàn kép’ trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau”, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh, “tuần hoàn kép” không phải tuần hoàn trong nước khép kín, mà là tuần hoàn kép trong và ngoài nước mở cửa hơn nữa. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường cho rằng, đây là một chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn mới và trong bối cảnh quốc tế mới. Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng trong “vòng tuần hoàn bên ngoài” của Trung Quốc. Vì hai Đảng, hai nước Trung - Việt có nhiều điểm chung trong mục tiêu phát triển đất nước trung và dài hạn. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường nói: “Dù hai bên đặt ra các mục tiêu với tên gọi khác nhau, chẳng hạn Trung Quốc đặt mong muốn thực hiện Giấc mộng Trung Hoa, Việt Nam hướng tới Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, v.v, nhưng hai nước đều có mục tiêu giống nhau là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, xây dựng đất nước hòa bình, phồn vinh, hiện đại trong những thập kỷ tới”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường cho rằng, khi Trung Quốc triển khai chiến lược “tuần hoàn kép”, Việt Nam có ưu thế lớn so với các nước láng giềng khác của Trung Quốc về thị trường, kết nối giao thông, kết nối giữa các cơ sở sản xuất của hai nước. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường nói: “Các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc dịch chuyển đầu tư, sản xuất sang Việt Nam. Hợp tác đầu tư song phương có cơ hội phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Trước bối cảnh lớn kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, cả thế giới bước vào thời kỳ biến đổi bấp bênh, hai nước Trung - Việt còn một việc quan trọng có thể chia sẻ kinh nghiệm đó chính là kiểm soát dịch bệnh trong năm 2021. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường cho biết: “Trong năm qua, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những quốc gia thành công nhất về chống đại dịch Covid-19 và bảo đảm phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Hai bên cũng có thể tăng cường, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này trong năm 2021”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường cho rằng, do hai nước có nhiều mục tiêu chung, ngoài những hợp tác trên ra, trong tiến trình phát triển, hai nước Việt – Trung còn có nhiều lĩnh vực có thể trao đổi, học hỏi lẫn nhau chẳng hạn về kinh nghiệm xây dựng Đảng, chống tham nhũng, cải cách thể chế; kinh nghiệm về mở cửa, ký kết và triển khai thực hiện các Hiệp định tự do thương mại, v.v.. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường nói: “Một điểm quan trọng là cả Việt Nam và Trung Quốc đều rất cần có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược. Do vậy, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, cùng gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới để kiến tạo, phát triển cũng là mục tiêu chung, quan trọng của hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới”.

Năm 2021 là năm bắt đầu “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Quốc, cũng là năm bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm tới của Ban lãnh đạo khoá mới sau Đại hội Đảng của Việt Nam, sẽ là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với cả hai nước Trung - Việt, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trường rất có niềm tin đối với triển vọng kết nối Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2021. Ông nói: “Khi Việt Nam tiến hành Đại hội XIII của Đảng và triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030. Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện ‘Quy hoạch 5 năm lần thứ 14’. Trong bối cảnh nêu trên, tôi tin tưởng rằng, các lĩnh vực kết nối mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đồng thuận như kết nối chính sách, kết nối hạ tầng, kết nối thương mại và kết nối con người, v.v., sẽ được triển khai thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong năm 2021”.