Trung Quốc đã xây dựng nền tảng phát triển giao thông bền vững toàn cầu thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”

2021-10-21 14:47:11 |NGUỒN TIN:CRI

Hội nghị Liên Hợp Quốc về giao thông bền vững toàn cầu lần thứ 2 mới đây đã khai mạc tại Bắc Kinh. Chủ đề của hội nghị lần này là “Giao thông bền vững, phát triển bền vững”. Các nhà lãnh đạo Chính phủ, các chuyên gia trong ngành và tổ chức xã hội nhiều nước đã tập hợp để thảo luận con đường tương lai cho phát triển giao thông bền vững. Bài phát biểu đề dẫn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai mạc hội nghị lần này đã thu hút sự quan tâm và chú ý của đông đảo chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, Phó Giáo sư Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phùng Thị Huệ trả lời phỏng vấn của Đài CRI cho biết, Trung Quốc đã xây dựng một nền tảng cho sự phát triển giao thông bền vững trên toàn cầu thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, Phó Giáo sư Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phùng Thị Huệ

Bà Phùng Thị Huệ là người phụ trách dự án Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” Trung Quốc và những khuyến nghị chính sách của Việt Nam” tại Viện Hàn lầm khoa học xã hội Việt Nam. Bà cũng là một chuyên gia rất am hiểu về Trung Quốc, nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội Trung Quốc. Bài đề dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến, “Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng ‘Một vành đai, một con đường’ chất lượng cao, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước”, điều này sẽ xây dựng nền tảng cho sự phát triển giao thông bền vững trên toàn cầu. Bà nói, đây là quyết tâm chiến lược của Trung Quốc trước mục tiêu “xanh hoá” giao thông và “xanh hoá” môi trường tại các nước có Con đường tơ lụa đi qua. Đây cũng chính là trăn trở và mong muốn của các nước tham gia “Một vành đai, một con đường” trong những năm qua. Làm được điều này, chắc chắn “Một vành đai, một con đường” sẽ tích hợp thêm nhiều nhân tố thành công bền vững.

Việc kết nối là huyết mạch chạy qua “một vành đai, một con đường”, trong đó kết nối cơ sở hạ tầng là lĩnh vực ưu tiên trong quá trình xây dựng “Một vành đai, một con đường”. Trong 8 năm qua, Trung Quốc và các nước dọc tuyến như Việt Nam, đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như bến cảng, đường sắt, đường bộ,v.v, giúp cải thiện trình độ xây dựng cơ sở hạ tầng của những nước này và kết quả vượt quá mong đợi. Thí dụ như: Công ty Du Tân Âu, đơn vị vận hành tuyến tàu cao tốc châu Âu-Trung Quốc (Trùng Khánh) hợp tác với ngành đường sắt Việt Nam, đã khai thông tuyến đường sắt “châu Âu-Trùng Khánh-Đông Nam Á”, trong đó có cả tuyến tàu chở hàng hoá quốc tế đến Hà Nội, Việt Nam, kết nối giữa châu Âu với các nước Đông Nam Á, cung cấp các giải pháp vận chuyển, giao nhận hàng hóa (logistics) mới cho các chủ hàng và doanh nghiệp vận tải.

Về vấn đề này, bà Phùng Thị Huệ cho biết, việc khai trương tuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu đi qua cả Hà Nội, Việt Nam, đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Bà nói: Sau khi tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu được đưa vào sử dụng, Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam nhiều sản phẩm được ưa chuộng như máy móc thiết bị, điện tử, quần áo may sẵn,… và nhập hoa quả, hàng điện tử, khoáng sản từ Việt Nam , đáp ứng thêm về nhu cầu lựa chọn hàng hoá đa dạng của người dân. Những kết nối tương tự sẽ góp phần tạo nên sự hỗ trợ, bổ sung thế mạnh lẫn nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam nói riêng, các nước Đông Nam Á nói chung, có lợi cho sự phát triển của mỗi nước.

Trong 8 năm qua kể từ khi đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, đã có hàng loạt dự án hợp tác quy mô lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được đưa vào khuôn khổ hợp tác “Một vành đai, một con đường”. Trung Quốc và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ kết nối “Một vành đai, một con đường” với “Hai hành lang, một vành đai”, tạo dựng được một nền tảng tốt đẹp. Hai bên cũng đang tích cực thảo luận các chương trình hợp tác thiết thực hơn và lớn hơn. Bà Phùng Thị Huệ cho biết, tám năm qua, Sáng kiến “Một vành đai một con đường” đã thu hút đông đảo các nước tham gia và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong lĩnh vực kết nối hạ tầng và đầu tư thương mại. Nhiều tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt xuyên khu vực, xuyên châu lục đã được khai thông, đưa lại nhiều cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu cho các nước liên quan.

Nhìn về tương lai, bà Phùng Thị Huệ cho biết, trong tương lai, không gian kết nối hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong phạm vi “Một vành đai, một con đường”, nhất là kết nối giao thông xanh và đầu tư thương mại vẫn còn rất rộng lớn, đa dạng. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc, ủng hộ chủ trương “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi” một cách bình đẳng, công bằng trong xây dựng và kết nối “Một vành đai, một con đường”.