Trưng bày hóa thạch 99 triệu năm của loài bọ tuyệt chủng

2021-03-23 16:52:17 |NGUỒN TIN:Facebook

Một con bọ thân nhỏ với những chiếc râu quá khổ giống như chiếc lá được bảo tồn nguyên vẹn trong một miếng hổ phách Miến Điện có niên đại 99 triệu năm trước đã được công bố hôm 20/3 tại Bảo tàng PaleoDiary ở Bắc Kinh.

Những chiếc râu lớn, kỳ dị của cá thể côn trùng này giúp phân biệt nó với tất cả các loài đã biết khác, cho dù còn tồn tại hay đã đã tuyệt chủng, đặt ra câu hỏi về sự tiến hóa và sự biến mất của chúng, đồng thời cung cấp nhiều dữ liệu về quá trình chọn lọc tự nhiên xảy ra với các loài côn trùng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế iScience vào tháng 1, râu của con bọ này gồm 4 đoạn dài 6,78 mm, dài hơn một chút so với cơ thể của chúng. Những chiếc râu này dài hơn đầu khoảng 12,3 lần và rộng hơn 4,4 lần, một điều hiếm gặp ở các loài côn trùng. Các nhà khoa học tin rằng những chiếc râu trên loài côn trùng này - được gọi là Magnusantenna wuae - có thể đã mang lại cả lợi ích và tác động tiêu cực đến sự tồn tại của chúng.

Bu Wenjun, một trong những nhà nghiên cứu và là giáo sư từ Đại học Nankai của Trung Quốc, cho biết con bọ tìm được trong miếng hổ phách có thể đang mô phỏng một cành cây có lá. Cách tiếp cận này, phức tạp hơn là chỉ bắt chước một chiếc lá hoặc một cành cây, là một hành vi ngụy trang độc đáo để đối phó với những kẻ săn mồi khác nhau. Phát hiện này được kỳ vọng sẽ cung cấp bằng chứng cho sự tiến hóa của sự đa dạng về hành vi của côn trùng dưới sự chọn lọc tự nhiên, nhà nghiên cứu nói thêm.

Đồng tác giả Huang Dawei, cũng là giáo sư tại Đại học Nankai, cho biết những chiếc râu lớn có thể giúp côn trùng tiếp nhận tín hiệu hóa học, bắt chước thực vật và chọn lọc giới tính, nhưng chúng cũng có thể gây tiêu thụ nhiều năng lượng, di chuyển chậm và làm bản thân con bọ nổi bật quá mức, dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng do chọn lọc tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục tìm kiếm các ví dụ về loài bọ cánh cứng trưởng thành với bộ râu quá khổ để nghiên cứu thêm.