Bình luận: Nạn phân biệt chủng tộc – trạng thái bình thường bi thảm, đau khổ và phẫn nộ đối với người Mỹ

2022-09-02 11:32:30
Nguồn:CRI

Nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra một cách toàn diện, mang tính hệ thống và dai dẳng ở Mỹ. Mới đây, cộng đồng quốc tế một lần nữa đổ dồn sự chú ý vào căn bệnh cố hữu là nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống ở Mỹ, Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc của Liên Hợp Quốc khi đánh giá về tình hình Mỹ thi hành “Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc” đã chỉ ra rằng, “Luật pháp và chính sách công của Mỹ có sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với người Mỹ gốc Phi”. Nạn phân biệt chủng tộc, căn bệnh cố hữu không chỉ thế giới mà ngay cả người dân Mỹ đều không ngừng chỉ trích này, mãi vẫn chưa được chữa trị triệt để ở Mỹ.

Tại Mỹ, thổ dân châu Mỹ, người Mỹ gốc Phi và gốc Mỹ La-tinh có nguy cơ bị cảnh sát bạo lực dẫn đến thiệt mạng cao hơn gấp 3 lần so với người da trắng. Vào năm 2020, người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd bị một cảnh sát da trắng chẹt cổ dã man dẫn đến thiệt mạng đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên khắp thế giới. Bộ Ngoại giao I-ran nhấn mạnh: “Việc cảnh sát Mỹ giết công dân Mỹ gốc Phi một cách trắng trợn thể hiện thái độ chống nhân quyền của chính phủ Mỹ. Điều đáng tiếc hơn là Mỹ lại rất thờ ơ với các hành vi vi phạm nhân quyền của chính mình”. Bộ Ngoại giao Vê-nê-xu-ê-la chỉ rõ, trong số các tù nhân ở Mỹ, người Mỹ gốc Phi và gốc Mỹ La-tinh chiếm tỷ lệ cao nhất, điều kiện giam giữ vô cùng tồi tệ, sức khỏe của các tù nhân không được đảm bảo, thậm chí có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Trang web “Thời báo Los Angeles” ngày 14/7/2020 đưa tin, sau vụ Floyd, ngày càng nhiều người da trắng cũng cho rằng nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ rất nghiêm trọng. Một báo cáo gần đây của nhóm công tác đặc biệt thuộc bang California phụ trách nghiên cứu chế độ nô lệ và sự ảnh hưởng đối với Cộng đồng Người Mỹ gốc Phi cho thấy, ngay cả ngày nay, các luật pháp và thực tiễn mang tính phân biệt đối xử vẫn tiếp tục khiến người Mỹ gốc Phi bị thiệt hại trong các mặt như: nhà ở, giáo dục, y tế, việc làm v.v.

Ngoài ra, tình hình phạm tội thù hận và bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á cũng tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Kết quả của một cuộc điều tra mới đây cho thấy, có 21% người Mỹ trưởng thành cho rằng “người Mỹ gốc Á ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm về đại dịch COVID-19”, tỷ lệ này ở mức 11% vào năm 2021, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do một số chính khách Mỹ cố tình đánh lạc hướng dư luận.

Vào ngày 23/3 và ngày 2/4/2020, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về phân biệt chủng tộc theo hình thức hiện đại Tendai Aqiume lần lượt chỉ rõ, chính khách của một số nước liên quan đã chủ động đưa ra những nhận xét bài ngoại công khai hoặc gợi ý, sử dụng những tên gọi có dụng ý xấu để thay thế cách gọi vi-rút nCoV, việc diễn tả bài ngoại gắn một căn bệnh với một quốc gia hoặc dân tộc cụ thể là cách làm vô trách nhiệm và đáng lo ngại. Việc các quan chức Chính phủ Mỹ ngang nhiên xúi giục, đánh lạc hướng và dung túng hành vi phân biệt chủng tộc không khác gì với sự sỉ nhục trắng trợn đối với quan niệm nhân quyền hiện đại.

Đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tồi tệ và nghiêm trọng như vậy, Chính phủ Mỹ vẫn thiếu sự kiểm điểm đúng mức. Đúng như Duck Wahl, Giám đốc Chương trình Nhân quyền của Liên minh Tự do công dân Mỹ chỉ rõ, Mỹ “đã thất bại trong hầu hết mọi vấn đề liên quan đến công bằng chủng tộc.” Đối với tất cả những điều này, cựu Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cũng bất đắc dĩ bày tỏ: “Phân biệt đối xử căn cứ theo chủng tộc là trạng thái bình thường bi thảm, đau khổ và phẫn nộ đối với hàng triệu người Mỹ.”

Bình luận: Nạn phân biệt chủng tộc – trạng thái bình thường bi thảm, đau khổ và phẫn nộ đối với người Mỹ