Chuyên gia Việt Nam: RCEP đẩy nhanh tiến trình ASEAN phục hồi sau đại dịch
Cùng với ngày càng nhiều các nỗ lực thực thi của các nước thành viên, chỉ sau một thời gian ngắn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) đã mang lại nhiều động lực mới cho quá trình phục hồi của ASEAN sau đại dịch COVID-19, đóng góp vào hợp tác phát triển toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nói, thoả thuận thương mại này cho thấy cam kết duy trì các chuỗi cung ứng mở và kết nối, đối với việc thúc đẩy thương mại tự do hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh khi đối mặt với đại dịch COVID-19, các nước trở nên hướng nội và theo xu hướng bảo hộ hơn.
“Về bản chất, RCEP là những cam kết chính trị của các nước thành viên về hội nhập khu vực. Những cam kết này củng cố lòng tin của cộng đồng rằng toàn cầu hoá và các cơ chế đa phương vẫn được đẩy mạnh trong bối cảnh có nhiều thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch,” ông Thành nói.
Hiệp định RCEP được ký kết và thực thi cho thấy việc mở cửa và hợp tác vẫn là xu thế lịch sử không thể đảo ngược. Với hiệp định này, các nền kinh tế đã tìm thấy hy vọng phát triển mới bằng cách lựa chọn đoàn kết và hợp tác khi đối mặt với thách thức thay vì lựa chọn xung đột và đối đầu.
Quy mô to lớn bậc nhất thế giới của RCEP tạo ra không gian kinh doanh và đầu tư thương mại vô cùng tiềm năng. Theo vị chuyên gia, điều này có nghĩa các doanh nghiệp từ khắp các quốc gia thành viên có nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong một khu vực gắn kết hơn.
Hiệp định thương mại siêu khu vực RCEP quy tụ 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và năm đối tác thương mại của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Nhiều nghiên cứu thống kê rằng, RCEP đã thành lập khối thương mại lớn nhất trong lịch sử thế giới, bao gồm gần một phần ba dân số toàn cầu, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 28% thương mại toàn cầu.
“RCEP đã và đang tạo ra động lực rất cần thiết nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19,” ông Thành nhận định.
Kể từ khi hiệp định đi vào thực thi từ đầu năm nay, các doanh nghiệp đã phản hồi rằng họ được hưởng lợi tích cực khi tiếp cận các thị trường rộng lớn, tiêu chuẩn cao như Trung Quốc một cách dễ dàng hơn. Không chỉ có các thủ tục hành chính như hải quan, quy tắc xuất xứ được đơn giản và đồng bộ hoá, mức thuế quan được ưu đãi, mà thái độ của người tiêu dùng cũng cởi mở hơn đối với hàng hoá đến từ các nước cùng khối.
“Là một hiệp định thúc đẩy thương mại và đầu tư, RCEP còn mang ý nghĩa giúp tăng cường hợp tác phát triển toàn cầu. Tầm quan trọng của Hiệp định nằm ở sự nhấn mạnh đến vấn đề hợp tác giữa các đối tác kinh tế với trình độ phát triển rất khác nhau trong khu vực,” chuyên gia Võ Trí Thành phân tích.
Sự đa dạng của các nước tham gia RCEP cho thấy các nền kinh tế ở những giai đoạn phát triển khác nhau đều có thể hợp tác với nhau và đóng góp cho sự phát triển của nhau, cũng như cho hệ thống thương mại đa phương. Sự đa dạng này và những mối liên kết mạnh mẽ giữa các nước tham gia với phần còn lại của thế giới cũng phản ánh tính bao trùm và rộng mở của hiệp định.
Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm tốc, thậm chí có những khu vực chứng kiến suy thoái trong và sau đại dịch, và hiện nay căng thẳng địa chính trị đang đe doạ chuỗi cung ứng, theo vị chuyên gia.
Mới đây, Hội nghị lần thứ nhất các Bộ trưởng thương mại thực thi Hiệp định RCEP tổ chức ngày 18/9 tại Campuchia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn các thỏa thuận RCEP để hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn.
Theo ông Thành, các nỗ lực thành lập Uỷ ban hỗn hợp RCEP và các cơ quan trực thuộc dưới sự giám sát chung của uỷ ban cho thấy sự tập trung và hồ hởi của chính phủ các nước trong việc khai thác các thoả thuận của hiệp định.
“Tận dụng RCEP sẽ giúp các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau đại dịch và hội nhập sâu rộng hơn,” vị chuyên gia nói.
Năm nay là năm mở đầu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – ASEAN, cũng là năm đầu tiên thực thi Hiệp định RCEP. “Chúng ta đang được chứng kiến những lợi ích thiết thực của RCEP giúp hỗ trợ tiến trình phục hồi của ASEAN và làm gắn kết hơn quan hệ thương mại đầu tư đang ngày càng phát triển giữa ASEAN và Trung Quốc,” ông Thành bày tỏ.