Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư Trung Quốc
Từ năm 2017 đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tới việc đầu tư vào các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Trung Quốc luôn nằm trong nhóm các nhà đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam với số vốn đạt kỷ lục gần 2,4 tỉ USD vào năm 2019, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, 11 tháng năm 2022, Trung Quốc đại lục đầu tư 1,29 tỷ USD vào Việt Nam theo hình thức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xếp thứ 4 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính cả Đặc khu Hành chính Hồng Kông thì tổng nguồn vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt trên 2,2 tỉ USD, chiếm 19,2% tổng vốn đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, so với số liệu thống kê, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam còn lớn hơn nhiều lần do trên thực tế, các nhà đầu tư Trung Quốc còn tham gia đầu tư liên doanh liên kết, góp vốn (bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc…) vào các doanh nghiệp Việt trên mọi lĩnh vực. Doanh nghiệp Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và khu vực xung quanh - những nơi có ưu thế về vị trí địa lý và hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước, có sức thu hút lao động mạnh, có nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư mang tính đặc sắc của địa phương.
Gần đây, bất chấp những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới và đại dịch COVID-19, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn giữ ở mức ổn định. Ông Vi Tự Hải, Giám đốc Nhân sự tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Honor Việt Nam, chia sẻ với Đài chúng tôi rằng, nếu không vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ còn lớn hơn bây giờ rất nhiều.
Theo vị quản lý doanh nghiệp, Việt Nam có một số ưu thế thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
“Đầu tiên là ưu thế về vị trí địa lý: Việt Nam có đường bờ biển dài, hình thành nhiều cảng nước sâu, giúp quốc gia này trở thành điểm phân phối rất quan trọng trên thế giới. Vị trí giáp biên giới đường bộ với Trung Quốc giúp cho việc vận chuyển nguyên vật liệu từ thị trường hàng hoá lớn nhất thế giới cũng thuận tiện hơn. Đồng thời, Việt Nam là một nước rất quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc,” ông Vi Tự Hải phân tích.
Hai là tình hình chính trị ở Việt Nam tương đối ổn định. Hầu như không có sự chia rẽ về văn hoá, xung đột sắc tộc, v.v… Điều này giúp đảm bảo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây.
Ba là ưu thế về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như giảm thuế hải quan, thuế thu nhập doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, v.v… của chính phủ Việt Nam. Trong đó, Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 do Quốc hội Việt Nam thông qua đã giảm bớt một số thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thúc đẩy hơn nữa việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư của nhiều quốc gia trên thế giới đều công nhận rằng sự nỗ lực của chính phụ Việt Nam nói chung, các cấp chính quyền địa phương nói riêng, trong việc cải cách thủ tục hành chính, đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi và khuyến khích để thu hút đầu tư là rất đáng kể. Các ban ngành và các cơ quan có thẩm quyền ngày càng quan tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đẩy mạnh tiến độ xây dựng những cơ sở hạ tầng như đường cao tốc liên kết cửa khẩu biên giới, dự án sân bay quốc tế, các cơ sở hạ tầng liên quan đến hệ thống điện lực, xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp cao, khu kinh tế mới, v.v... Những hành động nêu trên là điểm sáng của chính phủ Việt Nam trong việc đổi mới nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Bốn là nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam dồi dào. Việt Nam là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, trong đó khoảng 40% là tốt nghiệp Trung học Phổ thông, khoảng 23,1% đã được đào tạo. Ngoài nguồn nhân lực trẻ, trình độ giáo dục của công dân Việt Nam cao hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo một nghiên cứu quốc tế, đến năm 2017, tỷ lệ hoàn thành giáo dục trung học phổ thông của lao động Việt Nam là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Hàn Quốc, tương đương với Nhật Bản, chỉ thấp hơn Trung Quốc, tuy con số này trong lĩnh vực giáo dục bậc cao Việt Nam là thấp hơn nhiều so với ba nước trên. Ngoài ra, giá thành nhân lực ở Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc mặc dù lương tối thiểu và các loại chi phí nhân công ở Việt Nam ngày càng tăng lên.
“Tuy rằng chất lượng nhân lực ở Việt Nam chưa bằng Trung Quốc, nhưng sau khi cân nhắc xem xét tổng hợp, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn muốn đầu tư sang Việt Nam để tiết kiệm chi phí lao động,” vị quản lý doanh nhiệp cho hay.
Năm là Việt Nam cải cách đổi mới kinh tế, là thành viên trong rất nhiều hiệp định thương mại. Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương với rất nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có những FTA song phương như với Mỹ, với Hàn Quốc, với Nhật Bản, với ASEAN, và những FTA đa phương như CPTPP, EVFTA.
Với hiểu biết sâu sắc về quốc gia Đông Nam Á, ông Vi Tự Hải đánh giá cao các chính sách ưu đãi đầu tư mà chính phủ Việt Nam dành cho khối doanh nghiệp nước ngoài. “Việt Nam biết rõ được những ưu thế của bản thân mình, phát huy đầy đủ những vai trò, những lợi thế để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng hoà nhập kinh tế thế giới,” vị quản lý nói. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ, các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đầu tư trong giai đoạn ban đầu thường gặp phải nhiều khó khăn, trực tiếp nhất là rào cản về ngôn ngữ. Thứ hai là không nắm được thủ tục hành chính hoặc thủ tục làm việc để chuẩn bị tài liệu xin các loại giấy tờ. Thứ ba là khó khăn trong tuyển dụng nhân viên thích hợp, nhất là những vị trí yêu cầu ứng viên phải có kỹ thuật hoặc kỹ năng chuyên môn.
“Theo cá nhân tôi, các cơ quan chức năng có thể đưa ra một số chính sách để khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, đào tạo ra những nhân viên đủ kỹ thuật, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của vị trí chuyên môn; đồng thời xây dựng một đầu mối để kết nối người lao động và doanh nghiệp, để người lao động nắm được thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng có thể nắm thêm thông tin nhân tài trên thị trường nhân lực,” ông Vi Tự Hải đề xuất.
Thêm vào đó, cơ quan chức năng cũng cần thúc đẩy tăng cường hơn nữa giám sát và hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi và tìm hiểu sự khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong phạm vi thẩm quyền, nhưng phải đảm bảo phù hợp với các quy định và luật pháp Việt Nam.
“Những chính sách và quy định của chính phủ nói chung, chính quyền địa phương nói riêng, phải ổn định, không thay đổi thường xuyên, phải thực hiện đến tận nơi, không được trung ương quy định một kiểu, địa phương làm một kiểu khác, cũng không nên cố ý gây khó cho doanh nghiệp,” vị quản lý doanh nghiệp bày tỏ.