Bảo vệ di sản văn hoá dân tộc nhằm giữ gìn tính đa dạng văn hoá

2022-06-22 10:48:38
Nguồn:CRI

Cùng với xu thế toàn cầu hoá kinh tế và sự tăng tốc của tiến trình hiện đại hoá, nền văn hoá thế giới đang đứng trước nguy cơ đơn nhất hoá, đánh mất bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập. Bởi vậy, việc bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, giữ gìn tính đa dạng văn hoá, đã trở thành một đề tài quan trọng mà các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển đang phải đối mặt. Ngày càng nhiều quốc gia đang tích cực tìm tòi phương thức hiệu quả để bảo vệ văn hoá của dân tộc mình, đi sâu nhận thức giá trị văn hoá dân tộc, trân trọng di sản văn hoá của mình. Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên gia cao cấp Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Trung Quốc tích cực triển khai hành động bảo vệ di sản văn hoá châu Á, thể hiện sự gánh vác trách nhiệm của một nước có nền văn minh lâu đời, một cường quốc kinh tế và một nước lớn văn hoá.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo là nhà giáo dục và học giả văn hoá nổi tiếng tại Việt Nam, là nhà nghiên cứu văn hoá có bề dày gần 50 năm, công tác nghiên cứu nhiều năm đã khiến ông nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ văn hoá dân tộc. Ông cho rằng, di sản văn hoá đã kế thừa mạch nguồn văn hoá lịch sử của dân tộc, di sản thiên nhiên bảo tồn cho sự phát triển của dân tộc. Ông nói:

“Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có bài phát biểu quan trọng về văn hoá, trong đó đã nêu luận điểm nổi tiếng ‘Văn hoá soi đường quốc dân đi’, đồng thời Người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. Di sản văn hoá dân tộc không chỉ là tài sản quý báu cho nghiên cứu lịch sử của dân tộc các nước, cũng không chỉ là tài liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử phát triển nhân loại, lịch sử phát triển xã hội, mà còn là tài liệu giáo dục quý báu tăng cường giáo dục truyền thống ưu tú, tăng cường tình đoàn kết dân tộc. Tất cả các nước, dù thời đại thay đổi thế nào, đều phải bảo vệ cho được những tinh tuý văn hoá cốt lõi nhất của dân tộc, cái thể hiện rõ nhất bản sắc dân tộc, phù hợp nhất với yêu cầu của thời đại.”

Giáo sư Hoàng Chí Bảo từng nhiều lần đến thăm và nghiên cứu tại Trung Quốc, cũng từng tham quan khá nhiều di tích văn hoá lịch sử Trung Quốc, đã chứng kiến nỗ lực của Trung Quốc triển khai rất nhiều công việc có hiệu quả để cứu vãn, bảo vệ và kế thừa di sản văn hoá dân tộc. Trung Quốc đã xây dựng hệ thống pháp luật, pháp quy hành chính, pháp quy địa phương và quy chương hành chính để bảo vệ văn vật. Ông cho rằng, công tác bảo vệ di sản văn hoá và hợp tác quốc tế của Trung Quốc đáng để khẳng định. Ông nói:

“Văn vật đã kế thừa các nền văn minh sán lạn, kế thừa văn hoá lịch sử, đây là tài sản quý báu chung của cả nhân loại, bảo vệ văn vật phải bắt đầu góp sức từ thế hệ này, để các thế hệ sau được hưởng lợi. Trung Quốc đã làm khá tốt về mặt này, thí dụ: xây dựng Khu thí điểm bảo vệ sử dụng văn vật nhà nước Tam Tinh Đôi, xây dựng, bảo vệ và quy hoạch Công viên văn hoá quốc gia Trường Thành. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc còn triển khai hành động bảo vệ di sản văn hóa bằng việc tăng cường và tập trung giao lưu giữa các nền văn minh châu Á. Điều này đã thể hiện trách nhiệm của một nước có nền văn minh lâu đời, một cường quốc kinh tế và một nước lớn văn hoá”.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, tiến trình đô thị hoá được đẩy nhanh, một số nền văn hoá dân tộc độc đáo đang dần biến mất. Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho biết, sở dĩ văn hoá nhân loại được huy hoàng và sán lạn, là nằm ở chỗ khu rừng văn hoá phong phú đa dạng, uyên thâm và rộng lớn, di sản văn hoá dân tộc cũng là mặt bằng quan trọng để thúc đẩy giao lưu học hỏi giữa các nền văn minh. Ông nói:

“Việt Nam có câu ngạn ngữ ‘Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao’. Bất cứ một nền văn hoá dân tộc nào trên thế giới, đều có cá tính độc đáo và trí tuệ đặc sắc của dân tộc đó. Tôn trọng và bảo vệ các nền văn hoá dân tộc, là nền tảng sinh tồn và phát triển của nhân loại, cũng là yêu cầu tất yếu để thực hiện phồn vinh văn hoá trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi người dân Việt Nam phải vừa tôn trọng bản sắc văn hoá dân tộc mình, nhưng đồng thời phải có tính khiêm nhường, chịu khó học hỏi, tiếp thu cái hay, cái tốt trong bản sắc văn hoá của các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Trung Hoa vĩ đại, rất gần gũi chúng ta”.

Bảo vệ di sản văn hoá dân tộc nhằm giữ gìn tính đa dạng văn hoá