Chuyên gia Việt Nam: Nhiều điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt – Trung

2022-08-16 10:17:45
Nguồn:CRI

Những năm nay, cơ chế và chính sách thương mại đầu tư giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu ngày càng được cải thiện, với việc mở cửa cho nhau trong khuôn khổ các hiệp định song phương và đa phương. Một trong những thành quả của quá trình này đó là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng phát triển nhất là trên chiều rộng, với nhiều điểm sáng và dư địa to lớn.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trung Quốc hiện là đối tác lớn nhất của Việt Nam cả về thương mại nói chung (xuất, nhập khẩu) và nhập khẩu nói riêng. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng xuất khẩu của nông sản Việt Nam như gạo, rau quả, cao su, sắn, thậm chí là hàng xơ sợi.

Kể từ năm 2020, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Việt Nam cũng đang là thị trường cung ứng hàng hoá lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng luôn thuộc nhóm đối tác thương mại lớn nhất của hai tỉnh biên giới Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng Nhân dân tệ. Gần đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những khó khăn, trở ngại trong kiểm soát đại dịch COVID-19 giữa hai nước cùng với việc nền kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi.

Cùng với những thay đổi về lượng thì cấu trúc thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng dần được cải thiện theo hướng khai thác tốt các lợi thế so sánh, cạnh tranh của hai bên, đồng thời thể hiện sự nâng cấp đáng kể của nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Chuyên gia Lê Xuân Sang đánh giá, kết quả trên có được là nhờ thời gian qua, nhìn chung, hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ, mở cửa thị trường cho nhau, nhất là hàng chính ngạch. Nhiều hiệp định thương mại đầu tư song phương biên mậu, các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), cũng được triển khai tương đối hiệu quả và mới đây (đầu năm 2022), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực thi.

“Các hiệp định về thương mại, đầu tư, dần giúp quan hệ trao đổi thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển hơn, nhất là trên phương diện giá trị xuất nhập khẩu,” vị chuyên gia nhận định.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Sang, những năm gần đây, có nhiều điểm sáng tích cực trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Bất chấp xung đột thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19, vốn đầu tư trực tiếp (đăng ký) từ Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng khá rõ nét. Nếu tính cả Đặc khu hành chính Hồng Kông thì nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, gần đây thuộc hàng các quốc gia đầu tư lớn nhất, trong đó, đáng chú ý là các thương vụ sáp nhập, hợp nhất và mua lại (M&A).

Bên cạnh đó, số lượng mặt hàng nông sản của Việt Nam được phía Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu chính ngạch tăng rõ rệt, mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường tỉ dân rộng lớn với nhu cầu tiêu dùng cao. Cơ quan chức năng hai nước cũng đã công bố, cập nhật các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, yêu cầu kỹ thuật hàng nông sản.

Không những thế, vị chuyên gia cho rằng tiềm năng cho hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước là rất lớn, còn rất nhiều dư địa phát triển.

“Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), mới nhất là RCEP. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp thúc đẩy thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử,” Tiến sĩ Lê Xuân Sang nhận định.

Bên cạnh đó, cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu hàng hoá vào Trung Quốc đang rộng mở, do Trung Quốc là một nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh, thị trường tiêu dùng khổng lồ, thu nhập người dân tăng mạnh. Chính phủ Trung Quốc đã và đang kiên trì chính sách phát triển dựa trên nội nhu, đồng thời mở cửa sâu rộng, tạo điều kiện cho hàng hoá nước ngoài vào phục vụ thị trường nội địa.

“Với vị trí địa lý gần gũi và cơ cấu nhiều hàng hoá mang tính bổ sung cho nhau, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc nơi người tiêu dùng có nhu cầu đa dạng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam,” vị chuyên gia phân tích.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Sang, ở chiều ngược lại, cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam tham gia vào các thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) – những thị trường rộng lớn ở các nước phát triển cũng dần rộng mở.

Chuyên gia Việt Nam: Nhiều điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt – Trung