Xây dựng nhịp cầu giao lưu văn hóa bằng phim điện ảnh và truyền hình
Trong thời gian diễn ra Liên hoan phim Bắc Kinh, ông Đông Tây, nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng mà độc giả Việt Nam quen thuộc đã có cuộc gặp gỡ trực tuyến với các độc giả và khán giả Việt Nam yêu mến ông, chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm cải biên tiểu thuyết thành phim điện ảnh và truyền hình.
Khi nói về việc chuyển từ nhà văn thành nhà biên kịch, ông Đông Tây cho biết: "Lần đầu tiên tôi tham gia vào công việc biên kịch là vào năm 2000, bộ phim truyền hình “Vĩnh viễn là bao xa” của nhà văn Thiết Lâm, bộ phim này cũng được phát sóng tại Việt Nam. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với lĩnh vực phim truyền hình. Sau đó, tôi bắt đầu tham gia vào các bộ phim điện ảnh và truyền hình chuyển thể từ những tác phẩm của mình. "
Sau đó, nhiều tác phẩm văn học của nhà văn Đông Tây được cải biên thành công thành các bộ phim điện ảnh và truyền hình – “Cái tát trời giáng” được chuyển thể thành phim truyền hình “Ồn ào” 20 tập và phim điện ảnh “Từ điển của chị”. “Cuộc sống không có ngôn ngữ” đã được chuyển thể thành phim “Người yêu trên trời”, giành được “Giải thưởng đóng góp về nghệ thuật xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 15 năm 2002.
Khi nói về sự khác biệt giữa biên kịch điện ảnh và truyền hình và sáng tác văn học, nhà văn Đông Tây cho biết, việc chuyển thể tác phẩm văn học thành phim điện ảnh và phim truyền hình chủ yếu thể hiện ở sự khác biệt về biểu hiện thủ pháp. Phim điện ảnh và truyền hình cần tính đến tỷ lệ người xem, cần câu chuyện cô đọng hơn, nên cần có những thay đổi so với nguyên tác. Tuy nhiên, để các tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình sao chép hoàn toàn tiểu thuyết, truyền tải ý tưởng của nhà văn, hoặc thể hiện đầy đủ nội dung của tiểu thuyết là điều không thực tế. Vì vậy, sáng tác văn học và biên kịch thực ra là hai việc khác nhau, nhưng mục đích của việc sáng tạo đều là khiến khán giả cảm động bằng tình cảm chân thật.
Ông Đông Tây được độc giả Việt Nam biết đến nhiều hơn với tư cách là nhà văn. Các tiểu thuyết "Mộng đổi đời", " Cái tát trời giáng " và "Hối hận" của Nhà văn Đông Tây đã được dịch sang tiếng Việt và giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Các tác phẩm này khiến chúng ta hiểu nhiều hơn về xã hội và con người Trung Quốc tại một thời điểm nhất định, phản ánh hoàn cảnh sống của những người dân bình thường, giúp người đọc Việt Nam cảm thông và mở lòng hơn.
Khi nói về lý do giới thiệu các tác phẩm của Nhà văn Đông Tây đến Việt Nam, chị Nguyễn Lệ Chi, Tổng giám đốc Công ty Chibooks Việt Nam cho biết, văn học Trung Quốc đương đại nói chung và các tác phẩm của nhà văn Đông Tây nói riêng đã thổi một luồng gió sinh động vào thị trường sách Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây. Với những nỗi đau, dằn vặt, những bất công mà các nhân vật trong sách đã phải trải qua, nhà văn Đông Tây đã lột tả được những lát cắt đời sống trong xã hội Trung Quốc với rất nhiều điểm tương đồng với xã hội, con người, cách sinh hoạt và cách ứng xử như ở Việt Nam, đồng thời cũng giúp chúng ta thêm hiểu và đồng cảm với nỗi đau chung của con người, biết sẻ chia và mở lòng hơn.
Những năm qua, nhà văn Đông Tây thường xuyên giao lưu với độc giả Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Năm 2016, Nhà văn Đông Tây đến đường sách Sài Gòn để tiếp xúc gần gũi với độc giả Việt Nam, ông trực tiếp cảm nhận tình cảm của độc giả Việt Nam đối với văn học Trung Quốc.
Trong mỗi cuộc giao lưu với độc giả Việt Nam, Nhà văn Đông Tây đều rất cảm động bởi sự nhiệt tình của mọi người. Nhà văn Đông Tây cho biết: Thời tiết ở miền nam Trung Quốc, đặc biệt là Quảng Tây, tương tự như ở Việt Nam. “Nóng” là đặc điểm chung của chúng ta: nhiệt tình, nhiệt liệt, đam mê, nhiệt huyết đối với văn học… mỗi khi nghĩ đến có những độc giả Việt Nam yêu thích văn học Trung Quốc, tôi cảm thấy nhiệt huyết dâng trào, nước mắt tràn mi.