Học giả Việt Nam: Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương
Những ngày gần đây, nhân sĩ hai nước Việt - Trung vô cùng phấn khởi theo dõi thông tin về chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc. Trao đổi với Đài chúng tôi, Tiến sĩ Đặng Thị Thúy Hà, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng đây là sự kiện đặc biệt quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến đổi phức tạp.
Chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 31/10 đến 1/11/2022 là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ sau Đại hội XIII ĐCS Việt Nam. Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của ĐCS Trung Quốc.
“Chuyến thăm vừa thể hiện tình hữu nghị truyền thống, vừa thể hiện tính đặc thù và tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước. Chuyến thăm không chỉ củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai Đảng mà còn tăng cường quan hệ giữa hai bên trên các kênh, các lĩnh vực, đặc biệt tạo chuyển biến mới trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế,” bà Đặng Thị Thuý Hà nhận định.
Theo vị chuyên gia, chuyến thăm của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng cũng nhằm khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực; thể hiện sự ủng hộ đối với tư tưởng và đường lối phát triển của Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Nữ học giả chỉ ra, từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ Việt - Trung có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Gần 60 cơ chế giao lưu giữa hai bên đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước.
“Hai bên nhất trí cho rằng, sự tin cậy chính trị Việt - Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định. Do đó, hai bên đã duy trì tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước dưới các hình thức linh hoạt và đa dạng như các chuyến thăm song phương, trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương,” bà Đặng Thị Thuý Hà nói.
Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc và giao lưu dưới nhiều hình thức như điện đàm, hội nghị trực tuyến. Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, trở thành định hướng chiến lược cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ hai nước, thể hiện sự coi trọng đối với hợp tác chính trị song phương. Hai bên đã xác định được khuôn khổ chung cho quan hệ hai nước, đó là phương châm 16 chữ, 4 tốt và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Hợp tác kênh Đảng tiếp tục được nhấn mạnh cả ở cấp Trung ương và địa phương. Hai bên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận nhằm trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Ðảng, quản lý nhà nước, đổi mới, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế của mỗi bên. Từ năm 2003 đến nay, hai bên đã tổ chức 16 cuộc hội thảo lý luận, cùng trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến xây dựng đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội v.v… Giao lưu hợp tác giữa các tỉnh thành được chú trọng. Cơ chế gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư tỉnh ủy Quảng Tây, Bí thư tỉnh ủy Vân Nam và Bí thư 7 tỉnh biên giới Việt Nam ngày càng đa dạng, toàn diện, đi vào thực chất trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh các bên.
Kết nối giữa hai nước được đẩy mạnh, bao gồm cả kết nối cơ sở hạ tầng và kết nối vận chuyển. Cơ sở xã hội của quan hệ hai nước được chú trọng, thể hiện qua việc tích cực thúc đẩy hợp tác văn hóa, giao lưu giữa các địa phương biên giới, giao lưu nhân dân. Trong đó, hợp tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua. Trung Quốc là một trong số những nước cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 nhiều nhất cho Việt Nam, cả viện trợ và thương mại.
Trong quan hệ đầu tư, 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4 trong số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 1,5 tỷ USD và 182 dự án (đứng thứ hai), chiếm 13% tổng số dự án cấp mới. Với nỗ lực chung của cả hai bên, dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, chính thức bàn giao ngày 6/11/2021. Hiện nay, tuyến đường này đã đi vào hoạt động và vận hành thông suốt.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước được mở rộng và có các hình thức hợp tác phong phú, ngày càng đi vào thực chất. Về vấn đề biên giới đất liền, lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp mà hai bên đã ký kết. Về vấn đề trên biển, mặc dù có những bất đồng và diễn biến phức tạp, song hai bên duy trì trao đổi, đàm phán thẳng thắn và đã đạt tiến triển nhất định trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm, bà Đặng Thị Thuý Hà nhận xét.
“Trong thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến đổi phức tạp, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc dù có lúc trầm lắng nhưng vẫn duy trì trạng thái phát triển ổn định và đạt tiến triển, vì lợi ích căn bản, lâu dài của mỗi bên, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới,” vị chuyên gia tổng kết.