Ngày 31/3, tại Bắc Kinh, Trung Quốc công bố top 10 phát hiện khảo cổ năm 2021, trong đó có khu vực làm lễ tế ở di tích Tam Tinh Đôi, lăng mộ lớn tại thôn Giang, Tây An, v.v. Chuyên gia cho rằng, các phát hiện khảo cổ lọt vào top 10 phát hiện đã giải thích sinh động về nguồn gốc loài người thời kỳ sơ khai tại Trung Quốc, văn hóa tiền sử, sự phát triển của nền văn minh Trung Hoa, cũng như tiến trình lịch sử thống nhất nhiều dân tộc, thể hiện nét cuốn hút của nền văn minh Trung Hoa uyên thâm, lưu truyền lâu đời, nhiều sắc màu.
Di tích Bì Lạc ở huyện Đạo Thành, tỉnh Tứ Xuyên là một di tích có quy mô lớn hiếm thấy tại khu vực đồng bằng, thuộc thời kỳ đồ đá cũ, gồm nhiều yếu tố văn hóa. Cổ vật được phát hiện tại di tích Bì Lạc như rìu cầm tay, rìu lưỡi mỏng, v.v. là cổ vật thuộc nền văn hóa đồ đá Acheulean được phát hiện tại di tích có địa hình cao nhất thế giới, cũng là nhóm cổ vật thuộc văn hóa Acheulean có hình thái điển hình nhất, chế tạo tinh xảo nhất, kỹ thuật chín muồi nhất, tổ hợp hoàn chỉnh nhất ở khu vực Đông Á.
Giáo sư Triệu Huy của Học viện Khảo cổ học và Bảo tàng học, trường Đại học Bắc Kinh giới thiệu, di tích phát hiện rìu cầm tay ở cao nguyên phía Tây tỉnh Tứ Xuyên như di tích Bì Lạc đã lấp đầy khoảng trống then chốt về hệ thống kỹ thuật văn hóa Acheulean ở Đông Á, kết nối sự truyền bá của văn hóa Acheulean ở phương Đông và phương Tây.
Trong số các phát hiện khảo cổ được chọn và lọt vào top 10 lần này, có không ít di tích khảo cổ nằm ở vùng biên cương, thành quả khảo cổ quan trọng của những di tích này thể hiện hơn nữa quá trình hình thành bố cục đa nguyên, nhất thể của dân tộc Trung Hoa, có giá trị quan trọng về mặt nghiên cứu, củng cố ý thức cộng đồng dân tộc Trung Hoa.
Thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Hội Khảo cổ học Trung Quốc Vương Nguy lấy phát hiện khảo cổ ở quần thể lăng mộ vương tộc Thổ Dục Hồn (Tuyuhun) đời Đường ở Vũ Uy, tỉnh Cam Túc làm ví dụ và phân tích rằng: “Cuộc khai quật lần này của chúng tôi đã khôi phục lăng mộ của vương tộc Thổ Dục Hồn đời Đường, qua thăm dò toàn diện nghĩa trang, xác định có 23 ngôi mộ, chúng tôi đã khai quật 3 trong số đó, phát hiện một lượng lớn đồ tùy táng gồm tượng người bằng đất nung, thú canh giữ lăng mộ và gần 10 loại vải dệt bằng tơ, qua đó cho thấy kỹ thuật dệt may đời Đường rất cao siêu. Hơn nữa, điều quan trọng là di tích này nằm trên tuyến giao thông quan trọng ở Tây Vực dưới sự cai quản của triều đình nhà Đường, cung cấp tư liệu hết sức quý giá cho việc nghiên cứu quan hệ giữa triều đình nhà Đường và các bộ tộc, các dân tộc dọc Con đường Tơ lụa, cũng như lịch sử giao thông, lịch sử văn hóa vật chất và lịch sử mỹ nghệ, v.v.”
Top 10 phát hiện khảo cổ lần này còn có một đặc điểm chung là “hợp tác đa ngành”. Ngoài địa tầng khảo cổ học và loại hình khảo cổ học truyền thống ra, còn tập trung nhiều nhánh phụ như khảo cổ làng xóm, khảo cổ môi trường, khảo cổ động thực vật, khảo cổ địa chất và khảo cổ luyện kim, v.v., cũng như sử dụng rộng rãi các công nghệ như xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, phân tích vật chất còn sót lại và kỹ thuật, nghiên cứu môi trường địa chất, v.v., tạo thuận lợi cho các nhà khảo cổ thu thập thông tin về di tích toàn diện hơn.
Phó Cục trưởng Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc Tống Tân Triều cho biết, năm 2021 kỷ niệm 100 năm ra đời ngành Khảo cổ học Trung Quốc. Trong 100 năm qua, khảo cổ Trung Quốc có quan hệ ngày càng gắn bó với giới khảo cổ học quốc tế, việc giao lưu và tham khảo lẫn nhau giữa các nền văn minh vẫn tiếp tục được thực hiện; bên cạnh đó, qua thực tiễn, giới khảo cổ học Trung Quốc cũng sáng tạo ra phương pháp và lý luận mới, mở ra con đường mới để khám phá nguồn gốc nền văn minh Trung Hoa và “tiến ra thế giới”.