Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đồng thời mang đến nhiều thách thức gay gắt cho nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Thế nhưng, “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực”(RCEP)chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Trong quý một năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là hơn 5%. Các chuyên gia của Việt Nam cho rằng, RCEP đã mang lại cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đang dần bước vào quỹ đạo phục hồi mạnh mẽ.
RCEP là hiệp định thương mại tự do quy mô nhất và quan trọng nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN khởi xướng từ năm 2012, đồng thời được sự ủng hộ và phối hợp tích cực của Trung Quốc và mới chỉ được hoàn thành sau 8 năm đàm phán. Hiệp định đã bao phủ một nửa dân số và gần một phần ba kim ngạch thương mại thế giới, trở thành khu thương mại tự do bao phủ dân số nhiều nhất, có cấu trúc thành viên đa dạng nhất và phát triển năng động nhất thế giới. So với các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác, phạm vi cam kết của RCEP rộng hơn, mức độ tự do hoá và tiêu chuẩn cao hơn.
Kể từ RECP chính thưc có hiệu lực và khởi động từ năm nay, các nước ASEAN trong đó bao gồm Việt Nam đã đón nhận viễn cảnh phát triển tốt đẹp. “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội trong quý một năm 2022” cho thấy, GDP Việt Nam trong quý một năm nay đã tăng 5,03% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 4,72% trong quý một năm 2021 và 3,66% trong quý một năm 2020. Trong đó, hoạt động thương mại và dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ, tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ trong tháng Tư tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021, số lượng du khách quốc tế sang Việt Nam du lịch cũng tăng trưởng đáng kể với mức tăng 184,7% so với cùng kỳ. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh cho biết, triển vọng và cơ hội các ngành nghề Việt Nam trong năm nay rất sáng sủa, hiện nay, các đơn đặt hàng của các nhà sản xuất và xuất khẩu đều đã đạt 100%, thị trường trong và ngoài nước đều đang có nhu cầu rất lớn. Điều này đóng vai trò tích cực trong việc kích thích sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với việc RCEP chính thức có hiệu lực, các tổ chức quốc tế nhìn chung cho rằng, điều này đã mang lại cơ hội mới cho phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt nam có thể trở thành quốc gia có tăng trưởng thu nhập và kim ngạch thương mại nhanh nhất trong số các thành viên RCEP. Báo cáo cho biết, Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước thành viên RCEP, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều nằm trong khuôn khổ RCEP. Việc thực thi RCEP sẽ mang lại ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như các hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một trong những điểm đáng chú ý nhất của Hiệp định RCEP là được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp, khi cho phép xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Ngân hàng Standard Chartered công bố báo cáo nghiên cứu mới nhất mang chủ đề “Việt Nam-RCEP: Cơ hội và thách thức” cho rằng, RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị trí thương mại của Việt Nam, thúc đẩy tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Báo cáo dự đoán, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể sẽ tăng 6.7%. Vì vậy, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Việt Nam cho biết, RCEP đặt quan hệ hợp tác của Việt Nam trong khu vực sang một chương mới, khi một loạt các đối tác thương mại mới đã có sự quan tâm và tiềm năng sẽ có sự gia tăng của nhiều quốc gia. RCEP giúp gia tăng xuất khẩu, tăng thu nhập cho nền kinh tế với việc giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan cũng như những sáng kiến liên quan đến cơ chế 1 cửa hay hoạt động thương mại không giấy tờ… từ đó giúp hoạt động thương mại diễn ra nhanh hơn, kịp thời, ít chi phí hơn cũng như có quy mô lớn hơn. Để tận dụng được hiệp định RCEP, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch kinh doanh gắn với tìm hiểu quy định thị trường một cách bài bản, phải tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.