Duyên tình tiếng Trung của một cô giáo Việt Nam tại Trung Quốc
Trong tà áo dài đỏ, tay cầm chiếc nón lá đặc trưng của Việt Nam, một cô giáo Việt Nam tự tin và đoan trang đang thuyết trình về dạy học tiếng Trung cho các em sinh viên chuyên ngành giáo dục Hán ngữ Quốc tế trong lớp học của Viện Văn học - Học viện Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Phong cách giảng bài sinh động và cuốn hút của cô khiến cả lớp cảm nhận được sức hấp dẫn của cách dạy tiếng Trung trong tiếng cười nói vui vẻ. Cô giáo này tên là Phạm Thị Thanh Hoa, đến từ tỉnh Nam Định, Việt Nam, hiện là giáo viên Việt Nam chuyên ngành giáo dục Hán ngữ Quốc tế của Viện văn học - Học viện Hình Đài.
“Khước Cố Sở Lai Kính, Thương Thương Hoạnh Thúy Vi.” Mỗi khi nhìn lại chặng đường học tập của mình tại Trung Quốc, trong lòng cô Phạm Thị Thanh Hoa lại hiện lên câu thơ của nhà thơ Trung Quốc Lý Bạch, ý của câu thơ này là: Mỗi khi nhìn lại đường ngõ trên rừng, chỉ thấy đâu đâu cũng là rừng xanh mông mênh. Ngay từ khi còn nhỏ cô Phạm Thị Thanh Hoa đã say mê và lần đầu tiếp xúc với tiếng Trung qua các bộ phim truyền hình Trung Quốc như “Tây Du Ký”, “Hoàn Châu Cách Cách”, cô luôn đầy sự tò mò với đất nước rộng lớn và lâu đời này, khiến cô không hề do dự lựa chọn chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Sau khi học hàng loạt tác phẩm văn học kinh điển Trung Quốc, cô Phạm Thị Thanh Hoa quyết định sang Trung Quốc du học, và rồi sau đó giảng dạy trong trường đại học của Trung Quốc, trở thành một cô giáo nước ngoài nghiên cứu giảng dạy tiếng Trung. Nhìn lại chặng đường đầy gian khổ này, cô Phạm Thị Thanh Hoa rất xúc động, cô nói: “Tôi yêu Trung Quốc, học tiếng Trung và nghiên cứu giảng dạy tiếng Trung khiến tôi không ngừng tiến bộ và cảm nhận văn hoá Trung Hoa lâu đời. Tôi rất thích quá trình này.”
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cô Phạm Thị Thanh Hoa đã thực hiện giấc mơ đến Trung Quốc đào tạo chuyên sâu, mở ra quá trình du học nghiên cứu sinh thạc sĩ tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, năm 2015 cô Phạm Thị Thanh Hoa đã thuận lợi thông qua vòng thi xét tuyển của Đại học Liêu Ninh ở thành phố Thẩm Dương, tiếp tục học lên tiến sĩ. “Tôi thích nhất là đọc tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lỗ Tấn, tôi thấy tinh thần dân tộc ‘Trợn mắt coi khinh ngàn kẻ địch, cúi đầu con trẻ cưỡi làm trâu’ trong tác phẩm rất cảm động lòng người.” Cô Phạm Thị Thanh Hoa lấy Lỗ Tấn làm đối tượng nghiên cứu cho luận văn tiến sĩ của mình, tổng kết và giới thiệu tình hình nghiên cứu các tác phẩm của Lỗ Tấn tại Việt Nam, thảo luận về tầm ảnh hưởng của nhà văn Lỗ Tấn và các tác phẩm văn học của ông đối với sự phát triển của văn học Việt Nam, cũng như phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam. Công trình nghiên cứu của cô đã cung cấp cho giới học giả Trung Quốc bộ tư liệu đầu tiên nghiên cứu về Lỗ Tấn của Việt Nam, mở rộng góc nhìn quốc tế trong nghiên cứu về Lỗ Tấn, đóng vai trò cầu nối và là sợi dây liên kết trong quảng bá tác giả, tác phẩm Trung Quốc tại Việt Nam.
Năm 2018, với tình cảm sâu đậm và tình yêu với Trung Quốc, cô Phạm Thị Thanh Hoa đã ngồi lên chiếc kiệu hoa mà mình đã thấy trong phim truyền hình Trung Quốc khi còn nhỏ, kết mối lương duyên với một chàng trai hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc, từ đó sinh sống tại Trung Quốc và theo chồng về quê tại thành phố Hình Đài tỉnh Hà Bắc định cư. Mùa hè năm 2021, với nền tảng chuyên ngành tiếng Hán vững chắc, với trình độ tiếng Trung gần như tiếng mẹ đẻ, cuối cùng cô Phạm Thị Thanh Hoa đã chính thức được nhận vào Viện Văn học - Học viện Hình Đài, trở thành một giáo viên nước ngoài của bộ môn nghiên cứu giảng dạy chuyên ngành giáo dục Hán ngữ Quốc tế của Viện Văn học trường này.
Năm nay là năm thứ 12 cô Phạm Thị Thanh Hoa đến Trung Quốc, cô từ một người mới học tiếng Trung đã trở thành tiến sĩ văn học Trung Quốc và giờ là giáo viên nước ngoài tại một học viện, trong quá trình đó cô không chỉ tích lũy được những kiến thức, học hàm và kinh nghiệm công tác, mà cô còn có tình cảm đậm sâu với mảnh đất Trung Quốc cũng như tràn đầy tình yêu với công tác dạy tiếng Hán. "Trung Quốc là mảnh đất nuôi dưỡng tôi, tôi nguyện ở lại làm đóa hoa thơm nở rộ trên mảnh đất này ".