Câu chuyện về cô gái Trung Quốc học tiếng Việt
Ở Trung Quốc, không có nhiều sinh viên đại học chuyên ngành tiếng Việt. Ngoại trừ các tỉnh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam như Quảng Tây và Vân Nam, trước đây chỉ có một số tỉnh có trường đại học đào tạo chuyên ngành tiếng Việt, tập trung nhất là tại Bắc Kinh. Tại đây, Đại học Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Đại học Ngoại thương đều mở chuyên ngành tiếng Việt Nam từ những năm 1950, đào tạo nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tiếng Việt cho Trung Quốc. Cô gái mà chúng ta nói đến trong chương trình là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Tiếng Việt của trường Đại học Ngoại thương Trung Quốc.
(1) Hành trình xuyên biên giới để theo đuổi ước mơ của tôi
"Đây là 'Hành trình xuyên biên giới để theo đuổi ước mơ' của tôi. Ước mơ đã hiện thực, nhưng hành trình học tiếng Việt của tôi sẽ không bao giờ kết thúc", Ninh Tiếu Uy, cô gái Trung Quốc vừa giành Giải Nhất trong Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho sinh viên Trung Quốc” 2023 hào hứng cho biết.
Ninh Tiếu Uy là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Tiếng Việt của trường Đại học Ngoại thương Trung Quốc, hiện Tiếu Uy đang đi du học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam. Cách đây không lâu, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các thầy cô đến từ các trường đại học ở Trung Quốc và Việt Nam, Tiếu Uy đang học tập tại Việt Nam đã từ Hà Nội đến Nam Ninh để tham gia cuộc thi và giành được giải Nhất. Nhìn lại "hành trình xuyên biên giới để theo đuổi ước mơ" này, Tiếu Uy tràn đầy cảm xúc.
Ninh Tiếu Uy giới thiệu, "Thực ra, theo yêu cầu của chương trình du học do chính phủ tài trợ, sinh viên quốc tế ngắn hạn không được phép quay lại Trung Quốc vì lý do cá nhân trong thời gian du học. Tôi đã tham gia chương trình du học do chính phủ tài trợ nửa đầu năm 2023, du học ở Việt Nam nửa năm. Nên trong cuộc thi tháng 5, các bạn của tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy tôi, lẽ ra đang du học ở Hà Nội, lại xuất hiện ở Nam Ninh để diễn thuyết."
Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho sinh viên Trung Quốc” lần thứ 10 diễn ra tại Đại học Quảng Tây ở Nam Ninh, Quảng Tây từ ngày 12-14/5/2023. Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho sinh viên Trung Quốc” đã được tổ chức gần 20 năm. Cùng với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng mật thiết, đã có thêm nhiều trường đại học ở Trung Quốc mở chuyên ngành tiếng Việt. Hiện nay, cuộc thi vốn chỉ có quy mô nhỏ này đã dần trở thành một “sự kiện lớn” trong giới chuyên ngành tiếng Việt ở Trung Quốc. 104 thí sinh đến từ 25 trường cao đẳng, đại học trên cả nước Trung Quốc đã tham gia cuộc thi này. Ninh Tiếu Uy, học sinh vốn có thành tích học tập xuất sắc lại càng hy vọng nhân cơ hội này được trao đổi với các bạn sinh viên xuất sắc chuyên ngành tiếng Việt trên cả nước.
Ninh Tiếu Uy cho biết, "Tôi đã có quyết tâm ngay khi nhìn thấy thông báo đăng ký tham gia cuộc thi, dù phiền phức đến đâu, tôi cũng muốn tham gia bởi vì cuộc thi này là cơ hội mà nhiều sinh viên chuyên ngành tiếng Việt mong mỏi từ lâu... " Tuy nhiên, visa du học của Tiếu Uy là loại một lần, nếu muốn quay lại Trung Quốc tham gia cuộc thi, em phải đổi thành thị thực nhiều lần, đồng thời phải nộp đơn lên Đại sứ quán và Ủy ban quỹ lưu học sinh Trung Quốc, thủ tục rất phức tạp. May là các trường Đại học Trung Quốc và Việt Nam đều rất ủng hộ, cung cấp cho Tiếu Uy những tài liệu liên quan kịp thời để làm thủ tục xin visa. Với sự giúp đỡ của nhà trường, Đại sứ quán và Ủy ban quỹ lưu học sinh, Tiếu Uy đã hoàn thành mọi thủ tục nhanh nhất có thể.
Vì đi tham dự cuộc thi ở Nam Ninh, Trung Quốc, nên Tiếu Uy quyết định đi đường bộ, đáp xe buýt từ Hà Nội đến Hữu Nghị Quan, sau khi qua cửa khẩu thì chuyển sang xe buýt đến Nam Ninh. Vì không quen đường, ngoài ra, còn phải nhiều lần đổi xe và làm thủ tục, Ninh Tiếu Uy lần đầu tiên qua biên giới đường bộ đã bị "lạc đường" trước khi làm thủ tục hải quan, may là một chị người Việt Nam đi cùng xe nhiệt tình hướng dẫn, Tiếu Uy mới thuận lợi thông quan. Tiếu Uy nói: "Chị ấy đi Nam Ninh để buôn bán xuyên biên giới, chị thấy hành lý của tôi nặng quá, nên giúp tôi suốt cả quãng đường. Đáng tiếc là tôi đang vội, với lại đầu óc cũng đang loạn, do đó, tôi quên hỏi thông tin liên lạc của chị, nhưng chị người Việt Nam rất nhiệt tình và vui vẻ giúp đỡ người khác.”
Câu chuyện về cô gái Trung Quốc giành giải nhất Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho sinh viên Trung Quốc” lần thứ 10 (Phần 2)
Ninh Tiếu Uy là sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Tiếng Việt của trường Đại học Ngoại thương Trung Quốc, hiện Tiếu Uy đang du học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Cách đây không lâu, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các thầy cô trường đại học ở Trung Quốc và Việt Nam, Tiếu Uy đã từ Hà Nội đến Nam Ninh để tham gia cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho sinh viên Trung Quốc” và giành giải Nhất.
Ninh Tiếu Uy là một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hàng Châu, Trung Quốc, câu ca dao Việt Nam mà Tiếu Uy thích nhất là "Non cao cũng có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo cũng có đường đi", chính câu ca dao này đã giúp em Tiếu Uy vượt qua bao khó khăn trong việc học ngoại ngữ, nói tiếng Việt lưu loát, còn giành được giải Nhất trong cuộc thi hùng biện tiếng Việt phạm vi toàn quốc, câu ca dao này cũng trở thành châm ngôn giúp Tiếu Uy để vượt qua khó khăn, dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình.
Chủ đề bài phát biểu của Tiếu Uy là "Anh hùng", nội dung là giới thiệu câu chuyện về người cha của Tiếu Uy, là bác sĩ đã ra tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 trong thời kỳ đại dịch nghiêm trọng nhất. Trong bài diễn thuyết của mình, Tiếu Uy đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, “Anh hùng là biểu tượng sáng ngời nhất của dân tộc”, bày tỏ sự tôn trọng đối với hàng nghìn hàng vạn nhân viên y tế như cha mình. Trong bài phát biểu, Tiếu Uy cho biết: "Tôi là một đứa trẻ sinh non sớm 50 ngày. 20 năm trước, chính các đồng nghiệp của cha tôi đã cố gắng hết sức mới mang lại cuộc sống cho tôi; 20 năm sau, cha tôi và hàng ngàn hàng vạn nhân viên y tế đã cứu tính mạng của rất nhiều người…” Câu chuyện chân thành của em khiến Ban giám khảo cảm động, thể hiện niềm tin và quyết tâm sẵn sàng kế thừa truyền thống anh hùng lớp cha ông, lạc quan, tích cực đối mặt với khó khăn, thử thách của thế hệ trẻ.
Tất nhiên, thành tích xuất sắc của Tiếu Uy đã giành được trong cuộc thi không thể tách rời sự hướng dẫn của các thầy cô. Cô Nhiếp Tân, cô Lý Cát, thầy Thượng Phong, 3 thầy cô giáo của Tiếu Uy tại trường Đại học Ngoại thương Trung Quốc thường nói với các bạn sinh viên rằng, ngoại ngữ chỉ là công cụ, cần phải sử dụng ngôn ngữ để nghiên cứu trong các lĩnh vực, mới phát huy được giá trị, nên Thư viện Quốc gia đã trở thành nơi mà Tiếu Uy “check in” nhiều nhất trong thời gian du học ở Hà Nội. Trong thời gian chuẩn bị cuộc thi, ba giáo viên luôn lên mạng hướng dẫn Tiếu Uy.
Giúp đỡ Tiếu Uy giành chức vô địch cuộc thi còn có công sức không nhỏ của một cô giáo Việt Nam. Đó chính là Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Chủ nhiệm Khoa Đông phương học và Trung Quốc học của trường Đại học Xã hội và Nhân văn. Cô Hoa đã giúp em trau chuốt bản thảo, để các ngôn từ gần với cách diễn đạt của người Việt Nam hơn. Ngoài ra, cô còn dành thời gian để hướng dẫn Tiếu Uy cách phát âm, ngữ điệu. Tiếu Uy nói: "Vì bài phát biểu của tôi liên quan đến việc phòng chống đại dịch, nên có thể có chỗ cần phải thể hiện sự sục sôi, có chỗ cần nói chậm lại. Cô Hoa đã dạy tôi cách kiểm soát nhịp điệu, thể hiện tình cảm, truyền cảm bằng tình cảm chân thành. Sau khi được cô giáo hướng dẫn, tôi đã có tiến bộ rất rõ ràng”Đối mặt với áp lực nếu không đạt được thành tích tốt thì sẽ làm mất mặt nhà trường của Tiếu Uy, cô Hoa đã khuyên em không nên học theo chủ nghĩa thực dụng, quá trình mới là điều quan trọng nhất. Tiếu Uy nói: “Sau đó tôi đã thoải mái hơn nhiều, sau cuộc thi, tôi thấy thứ mà mình giành được không chỉ là giấy chứng nhận giải thưởng, mà là tích lũy được kiến thức và nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ, điều này rất bổ ích cho tôi suốt cả đời." Tiếu Uy nói, trong quá trình học tập sau này, em cũng sẽ duy trì tâm lý này, chỉ có kiến thức thực sự mới thể hiện giá trị của bản thân.
Vào đêm giành được giải Nhất, Tiếu Uy ngay lập tức đã báo cáo kết quả với cô Hoa và bày tỏ lòng biết ơn với cô, nhưng cô Hoa khiêm tốn nói rằng, cô không giúp được gì nhiều, mấu chốt là sự cố gắng của bản thân học sinh. Tiếu Uy nói: "Cô Hoa đã dạy chúng em rất nhiều những phẩm chất quý giá. Nếu không có sự hướng dẫn của cô, hiệu quả bài diễn thuyết của tôi sẽ không tốt như vậy."
Trong thời gian cuộc thi, mẹ của Tiếu Uy cũng bay từ Hàng Châu đến xem, đáng tiếc là bố của Uy vì bận việc nên không đến được. Ngày 14/5, ngày em giành giải Nhất cũng đúng là Ngày của Mẹ, Tiếu Uy mặc áo dài và chụp rất nhiều ảnh lưu niệm với mẹ, mẹ Tiếu Uy đã "đăng" ảnh hai mẹ con và bằng khen của em lên wechat, với dòng tiêu đề "Món quà tuyệt vời nhất dành cho Ngày của Mẹ".
Câu chuyện ấm áp về cô gái Trung Quốc du học Việt Nam (Phần 3)
Cô gái đến từ Hàng Châu Ninh Tiếu Uy, đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành tiếng Việt của trường Đại học Ngoại thương Trung Quốc, cô được cử đi du học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Học viện Quốc gia, Việt Nam trong nửa đầu năm 2023.
Chỉ vài ngày sau khi đến Hà Nội, Tiếu Uy đã cảm nhận được sự nhiệt tình của các người bạn Việt Nam. Dù chỉ là lần đầu tiên gặp các cô gái Việt Nam ở ký túc xá bên cạnh, nhưng sự nhiệt tình của các bạn khiến Tiếu Uy cảm thấy “trò chuyện với các bạn gái Việt Nam hoàn toàn không xa lạ và cứng nhắc như lần đầu tiên gặp mặt, ngược lại lập tức chúng tôi trở thành bạn của nhau”.
Và sự lãng mạn của những chàng trai Việt Nam khiến Tiếu Uy có một ngày khó quên nhân ngày Phụ nữ Quốc tế. Tối hôm đó, các chàng trai Việt Nam đến từ Câu lạc bộ Ngoại ngữ của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức một hoạt động rất chu đáo, các bạn đã chuẩn bị hoa, đồ ăn và những tiết mục khiến các cô gái đến từ các nước khác nhau có một ngày lễ vui vẻ. Tiếu Uy nói: “Mặc dù tôi chưa từng gặp các bạn nam sinh Việt Nam trước đây, nhưng sự nhiệt tình của họ thực sự khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp khi xa nhà”.
Bên cạnh đó, Tiếu Uy còn kết bạn với một "em gái" Hà Nội. Em Lương Huyền Trang Anh, một cô gái Việt Nam đang học lớp 9. Do bởi em rất yêu thích tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc, qua sự giới thiệu của một người quen, cô đã mời Tiếu Uy làm gia sư tiếng Trung của mình. Dù Tiếu Uy phải lên lớp, chuẩn bị cuộc thi và xin nghiên cứu sinh, thời gian khá eo hẹp, nhưng xét đến việc dùng tiếng Việt làm gia sư dạy tiếng Trung không chỉ có thể rèn luyện khẩu ngữ tiếng Việt, mà còn có thể quen thêm nhiều bạn bè Việt Nam nhiều hơn, nên Tiếu Uy cuối cùng cũng đã đồng ý.
Mặc dù Tiếu Uy chỉ làm gia sư trong 5-6 tuần, nhưng trình độ tiếng Trung của Trang Anh đã tiến bộ rất nhiều, Tiếu Uy cũng đã thu hoạch rất nhiều từ quá trình này. Tiếu Uy nhớ có một lần, Tiếu Uy đưa Trang Anh đến một nhà hàng Trung Quốc, gọi những món ăn đặc sắc của Trung Quốc như sủi cảo, bánh bao, vừa cùng Trang Anh thưởng thức món ăn Trung Quốc, vừa học từ vựng tiếng Trung, đồng thời hướng dẫn Trang Anh giao tiếp bằng tiếng Trung với ông chủ nhà hàng. Trang Anh sau đó nói với Tiếu Uy rằng, hình thức học tập thực tế này, khiến Trang Anh rất vui. Trang Anh thậm chí còn hy vọng sẽ được đi du học ở Bắc Kinh trong tương lai, thưởng thức sủi cảo và các món ngon chính hiệu của Trung Quốc!”
Trong thời gian du học, Tiếu Uy còn đã đến Thái Nguyên để thăm cô Trần Thị Nhung, cô giáo người Việt trước đây dạy tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại thương. Vì dịch Covid-19, cô Nhung không thể đến Trung Quốc và chỉ được giảng dạy trực tuyến. Khi biết Tiếu Uy và các bạn cùng lớp sang Việt Nam du học, cô rất vui và mời các bạn đến nhà chơi. Cô Nhung đã đưa Tiếu Uy và các bạn đến vườn chè Thái Nguyên, thưởng thức trà Tân Cương nổi tiếng ở Thái Nguyên. Tiếu Uy cho biết, trước đây đã nghe nói Việt Nam có ‘Trà Thái gái Tuyên’, tức là con gái ở Truyên Quang xinh nhất, tức trà của Thái Nguyên ngon nhất, lần này đến Thái Nguyên uống trà, quả nhiên danh bất hư truyền! Mong rằng sau này có dịp được mời cô Nhung đi quê hương Hàng Châu của mình để thưởng thức trà Long Tỉnh Tây Hồ của Hàng Châu.”
Hiện nay, chương trình du học tại Hà Nội của Tiếu Uy sắp kết thúc. Cuối tháng 6, Tiếu Uy sẽ trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình, các thầy cô và bạn bè, nhưng em cũng phải nói lời tạm biệt với các thầy cô và các bạn Việt Nam. Tiếu Uy nói: "Có lẽ cuộc sống luôn như vậy. Đối với những người học ngoại ngữ chúng tôi cũng thế, chúng tôi sẽ phải đi lại nhiều giữa các quốc gia khác nhau, luôn mong được lần đoàn tụ tiếp theo giữa những lần chia tay, cảm nhận sự ấm áp và tình yêu thương trong những lần gặp gỡ hạnh phúc."