Đoàn Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc
Từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 6 năm 2023 tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc diễn ra Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 (CISMEF 2023). Hội chợ CISMEF 2023 do Chính phủ Trung Quốc giao Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông phối hợp với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc tổ chức.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường hiệu quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngay sau khi các biện pháp phòng dịch COVID-19 được ưu hoá, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương Việt Nam) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ CISMEF 2023 với quy mô lớn.
Tại Hội chợ, khu gian hàng Việt Nam có diện tích khoảng 3.000㎡, bao gồm: Gian hàng quốc gia Việt Nam với mục tiêu quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch và tiềm năng kinh tế thương mại - đầu tư của Việt Nam; Khu gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam với gần 80 doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, quy mô 120 gian hàng, diện tích trên 2.000㎡ thuộc các lĩnh vực ngành hàng: nông - thủy sản và thực phẩm chế biến, thời trang, xúc tiến du lịch và đầu tư, hàng gia dụng, đồ gỗ và mỹ nghệ quà tặng...; Khu trưng bày quảng bá hình ảnh và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam, khu vực kết nối giao dịch giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế, sân khấu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thu hút khách tham quan.
Hiệp hội Dừa Việt Nam là một đơn vị tích cực tham gia Hội chợ CISMEF 2023 với 14 gian hàng trưng bày các sản phẩm từ dừa, liên quan đến dừa như nông sản tươi, thực phẩm chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ,…Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội cho biết:
“Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tìm kiếm kênh bán hàng, tăng cường giao thương của doanh nghiệp là rất lớn. Đến với Hội chợ lần này, chúng tôi mong có thể nối lại những đơn hàng bị đứt quãng trước đó, đồng thời mở rộng sang những khách hàng mới, tiếp tục quảng bá hình ảnh, tạo dựng thương hiệu chất lượng cao cho ngành dừa Việt Nam”.
Theo vị đại diện Hiệp hội, Trung Quốc là một thị trường rộng lớn với nhu cầu hàng hóa cao và đa dạng. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, người tiêu dùng mong muốn sử dụng các sản phẩm cao cấp, chất lượng vượt trội, yêu cầu khắt khe không thua kém các thị trường châu Âu. Tới đây ngành dừa Việt Nam sẽ tập trung vào những sản phẩm chế biến sâu có chất lượng cao như vậy, tự tin đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, việc tham gia Hội chợ CISMEF 2023 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt thông tin, tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại và định hướng chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường, chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng cường xuất khẩu ổn định sang thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.
Hội chợ CISMEF 2023 có quy mô khoảng 80.000㎡ với sự tham gia của 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Đức, Hy Lạp, Canada, Brazil, Argentina, Ecuador, New Zealand, Malaysia, Thái Lan, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Iran, Ai Cập, Chile, Uruguay, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Macao, Đài Loan…Trong khuôn khổ Hội chợ năm nay còn diễn ra một số hoạt động như Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ lần thứ 2 (SMEICS), Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc,...
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Trung Quốc luôn là đối tác thương mại song phương quan trọng, hai quốc gia có mối quan hệ hợp tác gắn bó từ lâu đời. Giai đoạn vừa qua, thương mại giữa Trung Quốc và các bạn hàng chủ chốt chỉ ghi nhận mức tăng vừa phải thậm chí giảm mạnh, tuy nhiên Việt Nam là số ít đối tác thương mại lớn của thị trường này duy trì kim ngạch thương mại tăng trưởng dương. Ngay khi thị trường Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều nhóm ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã lập tức ghi dấu ấn. Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với đối tác Trung Quốc.
Theo đánh giá của Bộ Công thương Việt Nam, Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam do lợi thế về vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác, nhu cầu thị trường gia tăng, nhiều lợi thế từ các thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam, Trung Quốc tham gia như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).