Tại Hội chợ quốc tế Trung Quốc, nữ doanh nhân đưa thương hiệu Việt ra thế giới
Từ lâu, Trung Quốc đã được thế giới biết đến với nền văn hoá lâu đời hàng ngàn năm tuổi, nghệ thuật truyền thống đặc sắc, ẩm thức tinh tuý… Trong công cuộc cải cách và mở cửa, Trung Quốc có thêm một “đặc sản” khiến khiến cộng đồng doanh nghiệp thế giới đều bị cuốn hút mà phải tìm đến, đó là các hội chợ thương mại quốc tế với không chỉ quy mô lớn nhất, mà còn mức độ hội nhập sâu rộng nhất thế giới. Những hội chợ này là cầu nối thương mại mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, phát triển sản xuất cho các doanh nhân, doanh nghiệp trên toàn cầu.
Đối với chị Nguyễn Thị Dung - nữ doanh nhân Việt Nam - hội chợ quốc tế đầu tiên chị tham dự đó là Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 (CISMEF 2023), được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 30/6 tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Nhiều ngày đã trôi qua kể từ khi chị trở về Việt Nam, nhưng những cảm xúc của “lần đầu tiên ra thế giới” ấy vẫn vô cùng mãnh liệt. Ấn tượng đầu tiên của chị khi đó là quy mô của hội chợ thật sự quá rộng lớn, quá nhiều mặt hàng, cảm giác như cả thế giới đều có mặt tại trung tâm triển lãm.
Chị đùa vui rằng, mỗi khi gian hàng của mình bớt việc là chị lại đi dạo chút để học hỏi, nhưng đi mãi mà chẳng hết được hội chợ vì quá rộng, quá nhiều thứ để xem.
Theo số liệu của Ban tổ chức, Hội chợ có quy mô khoảng 80.000m2 với sự tham gia của 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khu gian hàng Việt Nam rộng khoảng 3.000m2.
Ít năm trước, chị Dung khởi nghiệp làm các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ dược liệu, chủ yếu là từ trái nhàu - loại sản vật dung dị của Quảng Nam - mảnh đất miền Trung Việt Nam, cũng là quê hương chị. Chị không ngờ rằng một ngày, mình sẽ mang những sản phẩm “made in Việt Nam” ấy tới một hội chợ quốc tế quy mô như vậy.
Chị cho rằng thu hoạch lớn nhất của mình sau chuyến đi tới Quảng Châu đó là việc được mở rộng tầm mắt, được học hỏi từ các doanh nghiệp trên toàn thế giới và cả những thương nhân bản địa. Qua mấy ngàn năm giao thương đã chứng minh rằng người Quảng ở Quảng Châu có bộ gene thương nghiệp xuất sắc nhất châu Á, không người nào buôn bán làm ăn giỏi hơn họ.
Chị Dung khâm phục tinh thần làm thương nghiệp của những con người nơi đây, từ những nhân viên bán hàng bình thường nhất.
“Tới đây mới thấy người ta làm ăn buôn bán rôm rả như thế nào, họ thật sự rất giỏi, kỹ năng bán hàng rất tốt, và đặc biệt là họ không ngại bán hàng dù mặt hàng đó là gì. ” chị Dung chia sẻ.
Tại Hội chợ, theo sắp xếp của Ban tổ chức, gian hàng của ADEVA được hỗ trợ bởi một bạn sinh viên người Trung, nói tiếng Việt lưu loát. Bạn chỉ là tình nguyện viên hỗ trợ miễn phí, làm chủ yếu để trải nghiệm, nhưng mà bạn thật sự rất xuất sắc. Chị Dung vô cùng ấn tượng với phong cách chủ động và khéo léo của bạn, dù mới chỉ là sinh viên.
“Bạn rất nhiệt tình, nói tiếng Việt tốt, lại cực nhanh nhẹn dễ thương, tác phong hết sức chuyên nghiệp. Đúng ra thì bạn ấy chỉ làm nhiệm vụ là thông dịch, không có trách nhiệm tư vấn hay mời khách. Ấy thế mà bạn đứng bên ngoài, nhiệt tình mời chào khách đứng lại gian hàng xem, nghe, rồi tư vấn liên tục không ngớt,” chị Dung nhớ lại, cảm thấy thật may mắn vì có được một người giúp đỡ tuyệt vời như vậy.
Về cơ hội kinh doanh, chị Dung cho biết: “Cực kỳ nhiều người Trung Quốc quan tâm đến sản phẩm từ trái nhàu, hầu như ai đã biết đến loại dược liệu này thì đều công nhận ưu điểm của nó. Trái nhàu trong dân gian được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe như hỗ trợ tốt cho những người bị đau lưng, nhức mỏi xương khớp, người bị suy giãn tĩnh mạch, huyết áp, tiểu đường, người mất ngủ, rối loạn tiền đình. Ngoài ra, trong trái nhàu có chứa vitamin E, C có tác dụng chống dị ứng, làm sáng da và chống lão hoá… ”.
Tại Hội chợ, khách hàng của chị có những người trong nghề, có thanh niên, có người già, có phụ nữ và cả nam giới… Điểm chung giữa họ là rất quan tâm tới các sản phẩm từ dược liệu lành tính.