Hồ Chí Minh – nhân tố bất biến trong quan hệ Việt – Trung
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc được vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo hai nước. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố đóng vai trò vô cùng quan trọng - Người không những đã từng bắc nhịp cầu kết nối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước mà Người vẫn sống mãi với mối quan hệ đó.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc là một chuyên gia luôn trăn trở nghiên cứu về những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quan hệ hai nước. Theo ông, nhân tố Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt -Trung là cực kỳ quan trọng, vĩnh viễn tồn tại và có tính chất định hướng, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định của quan hệ song phương trong hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ tại buổi đối thoại chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc" tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngày 19/5/2023.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 14-1-1950, Người ra tuyên bố “sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam”. Ngày 18-1-1950, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới ra đời hơn 3 tháng, trở thành quốc gia đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bước vào một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới. Đây không những là mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai nước mà còn là sự kiện có ý nghĩa đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào thời điểm lúc bấy giờ.
Từ rất lâu trước đó, những người cộng sản hai nước đã quen biết nhau. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo Việt Nam Hồ Chí Minh, lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc đã làm quen với nhiều thanh niên Trung Quốc đang “cần công kiệm học” tại Pháp. Họ tìm đến nhau, quen biết nhau không chỉ vì tình cảm của những người “đồng hương châu Á” mà còn vì họ có chung lý tưởng tìm con đường giải phóng cho dân tộc mình khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, giành độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Từ lúc đó họ đã là “đồng chí” của nhau. Trong số những thanh niên ấy có nhiều người về sau đã trở thành các nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Thái Xướng, Triệu Thế Viêm, Tiêu Tam v.v...
Nhờ quen biết những người cộng sản đầu tiên của Trung Quốc, nhờ sự quan tâm đối với các dân tộc bị áp bức châu Á, Bác Hồ ngày càng đồng cảm với nỗi khổ của người dân Trung Quốc, đặc biệt là nông dân, cảm thấy như nỗi khổ của chính người dân đất nước mình vậy. Kể cả khi chưa đến Trung Quốc, vào những năm 1920 - 1922, Bác Hồ đã viết nhiều bài báo nói về cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, nói về nỗi cơ cực của người nông dân Trung Quốc trong xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến… Sau này có dịp sống và hoạt động tại Trung Quốc, Người càng thấu hiểu hơn cảnh ngộ đó.
Tình cảm của người dân Trung Quốc đối với Bác Hồ cũng vô cùng đặc biệt, những câu chuyện xúc động có lẽ kể mãi không hết. Trong thời gian sống và hoạt động tại nước bạn, Người thường xuyên tiếp xúc, giao lưu, gắn bó mật thiết với người dân Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc che chở, giúp đỡ, tạo điều kiện để Người hoạt động và kết nối với các tổ chức cách mạng trong nước. Ngày nay, nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà ngay cả những người dân thường cũng như giới học giả Trung Quốc đều dành cho Người một sự ngưỡng mộ, kính trọng và yêu mến mà chưa nhà lãnh đạo quốc gia nước ngoài nào khác từng có được.
Khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong bức điện chia buồn đề ngày 4-9-1969, sau khi ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh giá cao quan hệ gắn bó của Người với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc và sự nghiệp cách mạng của Trung Quốc. Sau khi cách mạng hai nước Trung Quốc và Việt Nam thắng lợi, Người đã nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường và phát triển tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Trung - Việt. Tình hữu nghị và tình đoàn kết được xây dựng nên trong cuộc chiến đấu lâu dài đó của nhân dân hai nước chúng ta đã được trải qua thử thách.”
Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, ngày nay, trên khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn, người ta thống kê được tới trên 70 di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần nhiều trong số đó không những được người Trung Quốc bảo tồn, trùng tu, giữ gìn nguyên vẹn mà từng ngày, từng giờ, những giá trị lịch sử - văn hoá mang dấu ấn Hồ Chí Minh vẫn đang được giới thiệu tới đông đảo công chúng, khách tham quan trong nước và quốc tế.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam -Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang đã nhiều lần diễn thuyết tại các hội nghị, toạ đàm, hội thảo khoa học về ý nghĩa của di sản ngoại giao Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt - Trung. Ông đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng các nhà ngoại giao trẻ để họ hiểu sâu sắc và trân trọng những đóng góp mang tính nền móng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan hệ hai nước.
“Những ai nghiên cứu về quan hệ Việt-Trung mà không hiểu thật sâu ý nghĩa của nhân tố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ đó, sẽ là một khiếm khuyết lớn. Nhân tố đó vẫn nguyên giá trị trong việc củng cố, phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Vinh Quang luôn nhắc nhở giới trẻ.