Ai đang làm ô nhiễm các đại dương vào Ngày Đại dương Thế giới?

2023-06-08 15:01:02
Nguồn:CRI

Ngày 8/6/2023 là “Ngày Đại dương Thế giới” lần thứ 15, nhưng vào ngày này, hành động của một số người lại khiến thế giới thêm bế tắc, vì họ đang có kế hoạch xả nước nhiễm xạ hạt nhân ra đại dương. Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, từ ngày 5/6, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã bắt đầu bơm nước biển vào đường hầm thoát nước nhiễm xạ hạt nhân của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.

Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích trái đất, là ngôi nhà chung của tuyệt đại đa số sinh vật trên trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn 1 tỷ người trên thế giới. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định xả hàng triệu tấn nước nhiễm xạ hạt nhân từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển sau khi được lọc và pha loãng. Cách làm này đã bị nhiều nước kiên quyết phản đối, nhưng đáng tiếc là Nhật Bản vẫn làm theo ý mình, phớt lờ những lời kêu gọi và yêu cầu hợp lý của cộng đồng quốc tế. Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, trước khi nước nhiễm xạ hạt nhân thải ra đại dương, hàm lượng chất độc phóng xạ tritium sẽ được pha loãng tới 1/40 tiêu chuẩn quốc gia Nhật Bản và khoảng 1/7 tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Yoshihide Suga khi thị sát Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và biết được rằng nước nhiễm xạ hạt nhân “được pha loãng và có thể uống được” đã từ chối uống nước này.

Trước lập luận lặp đi lặp lại của Nhật Bản rằng nước thải ra là“nước đã qua xử lý” an toàn và vô hại, vào ngày 5/6 giờ địa phương, Trương Khắc Kiệm, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc khi tham dự cuộc họp tháng 6 của Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại Vienna, Áo đã nhấn mạnh, tổng lượng nước bị nhiễm xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 lớn, thành phần phức tạp và chu kỳ xử lý lâu chưa từng có. Hàm lượng của nhiều hạt nhân phóng xạ trong nước bị nhiễm xạ hạt nhân được xử lý bằng hệ thống xử lý thanh lọc đa hạt nhân (ALPS) vẫn vượt quá tiêu chuẩn, độ an toàn và hiệu quả vẫn chưa được xác minh; hiện vẫn chưa có công nghệ xử lý hiệu quả cho nhiều hạt nhân và một số hạt nhân tồn tại lâu dài có thể khuếch tán theo dòng hải lưu và hình thành các hiệu ứng tích lũy sinh học, điều này sẽ gây ra những tác động khó lường đối với hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Các dòng hải lưu dọc theo bờ biển của Fukushima rất mạnh và 10 năm sau khi nước nhiễm xạ hạt nhân được thải ra biển, các hạt nhân phóng xạ có liên quan sẽ lan ra các đại dương toàn cầu. Nhiều quốc gia và các bên liên quan đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng. Theo tờ “Asahi Shimbun” của Nhật Bản và “Hankyo Ilbo” của Hàn Quốc, vào ngày 6 tháng 6, khi tham dự một hội nghị quốc tế cách đây vài ngày, ông Pio Tikoduadua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Nhập cư Fiji đã trực tiếp chỉ ra hành vi mâu thuẫn của Nhật Bản trong việc xả nước nhiễm xạ hạt nhân ra biển trước mặt các quan chức Nhật Bản: “Nhật Bản nói rằng nước thải hạt nhân là an toàn, tại sao không giữ lại?” Ông cũng cho biết, sau khi nước nhiễm xạ hạt nhân thải ra biển, một ngày nào đó nó sẽ chảy về phía nam, Fiji rất lo lắng về điều này. Quyền Thủ tướng Kami Kamiga của Fiji cũng tuyên bố vào ngày 3/6 rằng, nước này đang trong tình trạng cảnh giác cao độ do kế hoạch xả nước nhiễm xạ hạt nhân của Nhật Bản.

Việc chính phủ Nhật Bản lựa chọn xả nước nhiễm xạ hạt nhân ra biển không phải là vấn đề riêng của Nhật Bản mà là vấn đề lớn liên quan đến sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đó là chuyển rủi ro sang toàn nhân loại. Ngày 27/5, Đại diện Trung Quốc đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận liên quan của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, kiên quyết phản đối quyết định đơn phương của Nhật Bản xả nước nhiễm xạ hạt nhân Fukushima ra biển.

12 năm trước, sự cố hạt nhân Fukushima đã mang đến những thảm họa to lớn cho thế giới, giờ đây, Nhật Bản sẵn sàng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích chung của toàn nhân loại. Quyết định đơn phương xả nước nhiễm xạ hạt nhân ra đại dương sẽ chuyển nguy cơ ô nhiễm do sự cố hạt nhân Fukushima sang các nước láng giềng và môi trường xung quanh, từ đó sẽ gây ra tác hại thứ cấp cho toàn thế giới và toàn nhân loại. Hành động gây ô nhiễm môi trường đại dương kéo dài và quy mô lớn này là chưa từng có và phải kiên quyết chống lại.

Ai đang làm ô nhiễm các đại dương vào Ngày Đại dương Thế giới?