Nhân sĩ Việt Nam: Trung Quốc đang từng bước hiện thực hoá sứ mệnh Mặt Trăng

2023-08-01 10:17:44
Nguồn:CRI

Mặt Trăng luôn là một thiên thể đầy chất thơ trên bầu trời đêm. Có thể nói rằng từ khi loài người ngước nhìn lên bầu trời và chiêm ngưỡng Mặt Trăng, chúng ta đồng thời cũng nuôi dưỡng ước mơ sẽ đặt chân đến đó.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, thế giới đã được chứng kiến một cuộc chạy đua khoa học công nghệ vô tiền khoáng hậu giữa hai siêu cường khi đó là Liên Xô và Mỹ. Dù Liên Xô đã đi trước khi là nước đầu tiên phóng tàu vũ trụ và đưa người lên vũ trụ nhưng cuối cùng thì Mỹ lại là nước duy nhất đến nay đưa được người đặt trên Mặt Trăng và trở về an toàn. Từ năm 1969 đến năm 1972, đã có 12 người đặt chân lên Mặt Trăng, tất cả đều trong khuôn khổ chương trình Apollo của Mỹ. Từ đó đến nay, chưa từng có ai quay trở lại Mặt Trăng.

Bước sang thế kỷ này, khoa học công nghệ ngày một phát triển. Thay vì chỉ có thể ngước nhìn phương Tây với niềm ngưỡng mộ như trước, các quốc gia mới nổi đã đầu tư vào công nghệ vũ trụ và đạt được những thành tựu bước đầu. Trong đó, Trung Quốc - một quốc gia châu Á - đã trở thành nước thứ ba trên thế giới đưa được phi hành gia lên vũ trụ từ cách đây 20 năm, vào năm 2003. Vừa rồi, Trung Quốc càng gây chú ý khi tiết lộ kế hoạch đưa người lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất trước năm 2030 như là một phần của dự án thành lập trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng. Thông tin này đã khiến dư luận thế giới nói chung, các nhà khoa học nói riêng rất hứng thú. Trong số các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tới sứ mệnh ấy có ông Phạm Vũ Lộc – nghiên cứu viên, giảng viên giảng dạy về Thiên văn học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đồng thời là người đồng sáng lập Hội Thiên văn Hà Nội - một trong những Hội nhóm thiên văn hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

“Mục tiêu trước giờ mới chỉ xuất hiện trong các câu chuyện viễn tưởng đó được Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện trong thập kỷ này, một cách đầy tự tin. Nếu làm được, họ sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đưa công dân lên Mặt Trăng”, ông Phạm Vũ Lộc nói.

Nhà khoa học chia sẻ, khác với các chuyến bay trên quỹ đạo, việc đổ bộ lên Mặt Trăng và trở về an toàn khó khăn hơn gấp bội. Trong đó, bài toán khó nhất là làm sao mang được đủ nhiên liệu lên Mặt Trăng để từ đó cất cánh trở về. Kế hoạch của Trung Quốc là phóng phi thuyền mang phi hành đoàn và mô-đun đổ bộ tách biệt nhau lên quỹ đạo Mặt Trăng. Tại đó, hai thiết bị sẽ tiến hành tiếp hợp, đón phi hành đoàn qua mô-đun đổ bộ và đổ bộ xuống Mặt Trăng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên Mặt Trăng, phi hành đoàn quay lại mô-đun đổ bộ bay lên tiếp hợp lại với phi thuyền trên quỹ đạo và sử dụng phi thuyền này quay về Trái Đất. Đây cũng là cách mà người Mỹ đã sử dụng để lên Mặt Trăng, chỉ khác là họ chỉ cần dùng một tên lửa mang cả hai mô-đun điều khiển và đổ bộ lên quỹ đạo Mặt Trăng. Phương án này giúp tiết kiệm tối đa nhiên liệu khi có thể vứt bỏ từng phần không cần thiết sau mỗi bước, để đạt được cả hai mục tiêu là đổ bộ và trở về an toàn.

Theo ông Phạm Vũ Lộc, Trung Quốc đã và đang có những bước chuẩn bị rất vững chắc cho mục tiêu đầy mục tiêu của mình. Thực chất, phóng tàu vũ trụ có người lái lên Mặt Trăng là bước phát triển mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy chương trình không gian của Trung Quốc, vốn đã chứng kiến một số khoảnh khắc đột phá trong những năm gần đây. Cụ thể, Trung Quốc đã đổ bộ Mặt Trăng thành công từ 10 năm trước với tàu không người lái Thường Nga 3, mang theo xe tự hành Ngọc Thố 1, rồi 5 năm sau đó với tàu Thường Nga 4 và xe tự hành Ngọc Thố 2, là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh ở mặt sau của Mặt Trăng. Mới đây nhất, tàu Thường Nga 5 đã thành công trong việc lấy mẫu đất Mặt Trăng trở về vào năm 2020. Tới đây, tàu Thường Nga 6 được mong đợi sẽ là tàu đầu tiên thu thập được mẫu đất ở mặt sau của Mặt Trăng trở về. Tàu Thường Nga 7 được lên kế hoạch phóng vào năm 2026, sẽ là tàu đầu tiên hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng, nơi mà các nhà khoa học muốn khảo sát chỏm băng đá, để làm tiền đề cho một trạm nghiên cứu đặt ở đây.

Để thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc đang nghiên cứu dòng tên lửa Truòng Chinh 10 có thể đưa tải trọng lên tới 30 tấn tới quỹ đạo Mặt Trăng. Cùng với đó là một thế hệ phi thuyền mới, mô-đun đổ bộ, đồ bảo hộ và xe thám hiểm có người lái mới cần được nghiên cứu.

Công trình thám hiểm Mặt Trăng, dù thách thức, nhưng hứa hẹn thúc đẩy việc đột phá khoa học cơ bản và ứng dụng công nghệ mới. Hàng nghìn thành quả ứng dụng sẽ nâng đỡ nền kinh tế và kỹ thuật của quốc gia phát triển nhanh chóng, từ đó nhân rộng ra phục vụ lợi ích của toàn nhân loại.

“Loài người hàng triệu năm nay đã nung nấu mục tiêu chinh phục Mặt Trăng, các hành tinh và các vì sao, và sẽ từng bước hiện thực hóa giấc mơ đó. Đó là tiến trình không thể đảo ngược. Hy vọng rằng trong thập kỷ này nói riêng và thế kỷ này nói chung, chúng ta sẽ vinh dự được chứng kiến những thành quả mang tính lịch sử trên chặng đường chinh phục vũ trụ của nhân loại,” ông Phạm Vũ Lộc nói.

Nhân sĩ Việt Nam: Trung Quốc đang từng bước hiện thực hoá sứ mệnh Mặt Trăng