Chuyên gia Việt Nam: Vẫn còn điều kiện thuận lợi và yếu tố tích cực cho phát triển thương mại hàng hóa Trung - Việt
Từ đầu năm 2023 đến nay, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục mở rộng, đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia, bất chấp nhiều khó khăn từ thị trường thế giới, hiện vẫn còn một số nhân tố và điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa hai nước - vốn là những đối tác thương mại rất quan trọng của nhau.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 49,6 tỉ USD, chiếm tới 32,7% tổng giá trị nhập khẩu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch 25,9 tỉ USD, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, Tiến sĩ Lê Xuân Sang – phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng năm 2023 có những điều kiện thuận lợi đối với thương mại hai nước, đó là năm thứ 2 Hiệp định RCEP đi vào thực thi và tiếp tục thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và các đối tác lớn, nhất là Trung Quốc. Năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, các thị trường nội địa, sau khi điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, bản thân quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc được đẩy mạnh hơn trong một số lĩnh vực. Tiến sĩ Lê Xuân Sang lấy một ví dụ nổi bật đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nửa đầu năm nay trong khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản và EU đều sụt giảm thì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc lại tăng 7,7% so với nửa đầu năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc bứt phá với 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với nửa đầu năm 2022, chiếm 65,8% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
“Bên cạnh việc nhu cầu mua hàng của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau khi gỡ phong toả, nguyên nhân quan trọng ở đây là Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Điều này giúp khơi thông kênh xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là điểm rất tốt cho Việt Nam trên phương diện hàng chính ngạch, giảm bớt tính bất định của phương thức buôn bán tiểu ngạch. Bản thân việc hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam làm ăn bài bản hơn, đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn của thị trường Trung Quốc,” vị chuyên gia kinh tế nói.
Trên phương diện đầu tư, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với giá trị các dự án cũng tăng tương đối nhanh. Dù chưa thể thống kê chính xác do đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam còn thông qua Hồng Kông, nhưng xu hướng chung là tăng lên. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng đã có sự thay đổi đáng kể với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực.
Chuyên gia Lê Xuân Sang phân tích, nguyên nhân của xu hướng này có thể kể đến như hiệp định RCEP đi vào thực thi mạnh mẽ hơn, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế khiến dòng vốn ra nước ngoài sôi động hơn, các nhà đầu tư Trung Quốc nhìn thấy những lợi thế của thị trường Việt Nam như chi phí nhân công cạnh tranh, hệ thống các hiệp định thương mại tự do hấp dẫn với nhiều ưu đãi, nhất là cắt giảm thuế quan nhập khẩu vào hầu hết các thị trường lớn toàn cầu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là sự tăng trưởng chững lại, thấp hơn dự báo của Trung Quốc và Việt Nam đặt ra vấn đề đáng quan tâm cho doanh nghiệp hai nước, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn của Chính phủ và doanh nghiệp của cả hai bên.
Để quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam được hiệu quả hơn trong thời gian tới, chuyên gia Lê Xuân Sang kiến nghị hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là thương mại biên mậu từ cấp trung ương đến địa phương. Hiện nay trao đổi thông tin thương mại chính ngạch đang triển khai tương đối tốt, song trong thương mại biên mậu - phần nhiều là kênh tiểu ngạch truyền thống – các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin thị trường, thủ tục và qui trình thông quan một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời, dẫn đến ứ đọng và hư hỏng hàng hóa, đội chi phí đối với hàng hoá xuất khẩu tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics thương mại biên mậu của hai bên còn nhiều bất cập, nhất là từ phía Việt Nam (như kho lưu trữ, kho đông lạnh, phần diện tích dành cho các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa còn chưa hợp lý…) làm tăng thời gian chờ thông quan, gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá, nhất là hàng nông sản (hoa, quả) tươi. Vì vậy, cần tập trung mở rộng, nâng cấp hạ tầng dịch vụ kho bãi, đông lạnh, hải quan, tăng cường kết nối dịch vụ số để thuận tiện hoá cho doanh nghiệp.
“Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cẩn trọng hơn, cần chủ động xây dựng chiến lược đầu tư, thương mại, xây dựng thương hiệu song hành với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường,” vị chuyên gia bổ sung.