Ngành hàng không vũ trụ từ không đến có, từ có đến xuất sắc
Trước đây Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc “thấp giọng” (âm thầm không nổi bật) nhưng sau đợt phóng tàu Thần Châu 17 thì Miên Dương nổi tiếng lắm, báo đài rồi các phóng viên cả trong nước lẫn nước ngoài cũng liên tục đến đây đưa tin. Câu chuyện được mở đầu khi bác lái xe đưa chúng tôi đến thăm nhà máy Trường Hồng, một trong những nhà máy sản xuất và tham gia nhiều dự án chinh phục vũ trụ của Trung Quốc.
Câu chuyện quay trở lại vào ngày 26/10, tên lửa vận tải Trường Chinh 2 F - 17 chở tàu vũ trụ chở người Thần Châu 17 đã khởi động phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, nhiệm vụ phóng thành công tốt đẹp. "Made in Miên Dương" một lần nữa cung cấp sự đảm bảo mạnh mẽ cho các dự án hàng không vũ trụ có người lái của Trung Quốc từ nhiều khâu bao gồm phóng, theo dõi và kết nối mặt đất và không gian. Sau vụ phóng này, thì như lời bác lái xe, Miên Dương giống như cậu học sinh cần cù chăm chỉ nhưng âm thầm bỗng chốc vụt trở thành học sinh ưu tú được cả nước biết đến.
Trong giai đoạn phóng Thần Châu số 17, theo dõi chính xác là một khâu rất quan trọng. Radar đo lường và điều khiển do Công ty 081 - một công ty con của Tập đoàn Trường Hồng ở Miên Dương sản xuất, sử dụng công nghệ theo dõi mục tiêu di chuyển độc đáo, có khả năng theo dõi ổn định các mục tiêu tên lửa trong điều kiện mặt đất hỗn loạn mạnh, do đó cung cấp các thông số mục tiêu chuyển động kịp thời, chính xác và thông tin an ninh cho hệ thống an ninh phóng Thần Châu 17.
Theo người phụ trách liên quan của Tập đoàn Trường Hồng, từ "Thần Châu 1" đến "Thần Châu 17", cũng như tàu thăm dò mặt trăng "Hằng Nga", Thiên Cung 1, 2, v.v., các sản phẩm của Trường Hồng liên quan đến các hệ thống khác nhau, đảm bảo truyền tín hiệu giao tiếp an toàn từ không gian và mặt đất cũng như nhiều chi tiết trong bộ đồ du hành vũ trụ mà các phi hành gia mặc trong khi tiến hành nhiệm vụ hàng không vũ trụ.
Trong sứ mệnh phóng tàu Thần Châu 17, còn có nhiều doanh nghiệp khác của Miên Dương góp mặt như sản xuất thiết bị cách ly, thiết bị kết nối hoặc thực hiện nhiệm vụ gửi và nhận tín hiệu đảm bảo rằng “liên lạc từ không gian tới mặt đất” có thể hoạt động theo thời gian thực, chính xác và hiệu quả trong môi trường không gian phức tạp.
Có thể nói với nhu cầu phát triển của ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu khoa học Miên Dương đã bắt kịp thời đại và cùng nhau tạo ra những đột phá công nghệ về vật liệu cốt lõi, nghiên cứu phát triển thiết kế, công nghệ kỹ thuật, v. v., nâng cao rất nhiều chỉ tiêu tính năng các sản phẩm "Made in Miên Dương", thực hiện tự chủ kiểm soát toàn chuỗi từ vật liệu, thiết kế, công nghệ..... Họ đã cải thiện đáng kể các chỉ số hiệu suất của nhiều sản phẩm "Made in Miên Dương" và đạt được bước đột phá về vật liệu.
Có được bước tiến này được cho là nhờ hưởng lợi khi chính phủ Trung Quốc khi đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đổi mới nhất vào năm 2020 và trở thành quốc gia đổi mới hàng đầu vào năm 2030, đồng thời trở thành cường quốc KH&CN dẫn đầu trên toàn cầu vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049. Theo đó, từ từnăm 2014, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào ngành hàng không vũ trụ nước này, tạo ra một cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực nghiên cứu hàng không vũ trụ. Miên Dương cũng không nằm ngoài hành trình “theo đuổi ước mơ bầu trời”. Năm 2019, Công viên Khoa học và Công nghệ Ứng dụng Vệ tinh ở quận Phù Thành, thành phố Miên Dương khai trương hoạt động; tập trung vào bốn ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược là máy bay không người lái, robot, bộ cảm biến và bộ kết nối đầu nối cũng như hai ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và hàng không vũ trụ trong tương lai. Ngoài ra, nơi đây cũng tập trung vào sáu lĩnh vực được chia nhỏ: tên lửa và động cơ, phương tiện không gian, phát triển vệ tinh, mạng lưới Bắc Đẩu, dịch vụ không gian và ứng dụng dữ liệu.
Hiện có thể ví Miên Dương là sao sáng trên “bầu trời đầy sao”. Năm ngoái, quy mô của ngành hàng không vũ trụ của thành phố đã vượt quá 14 tỷ nhân dân tệ, đưa ngành công nghiệp không gian Miên Dương theo sát tiết tấu thời đại, cơ bản thực hiện "Từ không đến có" và "Từ có đến xuất sắc". Trong tương lai, chính quyền thành phố Miên Dương cho biết sẽ tiếp tục phát huy sứ mệnh vũ trụ có người lái, kiên trì nghiên cứu về vật liệu cốt lõi, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển v.v., với tinh thần theo đuổi sự xuất sắc, phát huy tối đa lợi thế về nghiên cứu khoa học và công nghệ địa phương nhằm đạt được những đột phá về công nghệ, giúp phát triển ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc.