Tuyến đường sắt cao tốc Phòng Đông có tầm quan trọng thế nào trong Trung Quốc và ASEAN?
Mới đây, tuyến đường sắt từ Phòng Thành Cảng đến thành phố Đông Hưng Quảng Tây, Trung Quốc (gọi tắt là tuyến đường sắt Phòng Đông) chính thức hoạt động, kết nối mạng lưới đường sắt toàn quốc tại Trung Quốc. Mặc dù tuyến đường sắt này chỉ dài khoảng 47km nhưng lại có ý nghĩa quan trọng bởi Đông Hưng chính là cửa khẩu kết nối cả trên biển và bộ duy nhất giữa Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua Việt Nam.
Khi nhìn dòng người và hàng hóa tấp nập qua lại cửa khẩu biên giới Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) nhất là sau khi nước dỡ bỏ hạn chế sau đại dịch COVID-19 thì không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những cửa khẩu quốc tế năng động nhất và quan trọng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Sau khi tuyến đường sắt Phòng Đông được đưa vào vận hành sẽ chính thức kết thúc lịch sử giao thông không đường sắt giữa hai địa điểm này, thời gian thông hành sẽ từ 60 phút hiện nay rút ngắn còn khoảng 20 phút. Theo báo chí Trung Quốc, tốc độ thiết kế đường sắt Phòng Đông là 200 km/h.
Về ý nghĩa của tuyến đường sắt này, đối với phía Trung Quốc, sau khi đường sắt Phòng Đông thông xe, thành phố cửa khẩu biên giới Đông Hưng sẽ kết nối mạng lưới đường sắt cao tốc toàn quốc, đồng thời mở đường sắt cao tốc từ Khu Kinh tế Vịnh Bắc Bộ cũng như khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông -Hồng Công - Ma Cao đến các nước ASEAN. Ngoài việc nâng cao lượng vận chuyển hàng hóa tại cảng Vịnh Bắc Bộ thì nhân tố quan trọng nhất là sự mở rộng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam, sau cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ.
Về phía Việt Nam, Việt Nam đang kết nối đường sắt liên vận đến Trung Quốc và thông qua Trung Quốc để đến Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, các nước Trung Á và châu Âu. Nếu Việt Nam kết nối tuyến đường sắt này thì hàng hoá của Việt Nam sẽ được kết nối với thị trường Á-Âu rộng lớn và mở thêm giao thương với những khách hàng ở khu vực đầy tiềm năng.
Chính vì nhận rõ tầm quan trọng của việc kết nối đường sắt giữa hai nước, sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12/12 vừa qua, hai nước đã ký 36 văn kiện hợp tác trong đó có 2 bản ghi nhớ liên quan đến lĩnh vực đường sắt. Đó là hai bên đã nhất trí việc nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội - Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.
Hiện, hầu hết chuyến tàu liên vận từ Việt Nam sẽ đi ngả Đồng Đăng - Bằng Tường do khổ đường ray từ Hà Nội đi Đồng Đăng đã được nâng cấp lên khổ tiêu chuẩn. Nhờ sự tương thích này, các toa xe từ Bằng Tường có thể đi thẳng đến Hà Nội. Nếu tuyến đường sắt tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội - Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng được xây dựng cũng sẽ kết nối trực tiếp với Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt Phòng Đông. Điều này sẽ đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy kết nối Việt-Trung, thúc đẩy thuận lợi hóa giao lưu người dân, hợp tác thương mại và hoạt động đầu tư cũng như du lịch vì du khách Trung Quốc đến Việt Nam có thể đáp tàu cao tốc một trạm trực tiếp đến cửa khẩu biên giới, tiết kiệm thời gian đổi chuyến giữa chừng, trong khi đó du khách Việt Nam qua lại Trung Quốc cũng tiện lợi và nhanh chóng hơn.
Trong tương lai, khi tuyến đường sắt tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội - Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, Việt Nam có thể tiến thêm một bước xây dựng đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh, trực tiếp kết nối thông suốt với Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt Phòng Đông .
Ngoài ra, việc kết nối đường sắt cao tốc cũng được cho là "pháp bảo" thu hút đầu tư và thương mại của các nước ASEAN và Trung Quốc bởi khả năng vận chuyển với khối lượng lớn và giá thành rẻ, cũng như thời gian vận chuyển nhanh hơn đường biển, hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc, Trung Quốc-ASEAN. Theo thống kê, thương mại Trung Quốc-ASEAN đã tăng từ dưới 520 tỷ USD trong năm 2017 lên gần 980 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều Trung-Việt tăng từ 120 tỷ USD vào năm 2017 lên 235 tỷ USD vào năm 2022. Thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2022 thậm chí còn vượt qua thương mại giữa Trung Quốc và Đức. Đây chính là cơ sở để Việt Nam và Trung Quốc hợp tác thúc đẩy phát triển vận tải đường sắt.